Theo quy chế này, TP Đà Nẵng xác định khu vực triển khai dự án cần phối hợp thẩm định gồm: Các dự án nằm trong ranh giới đất quốc phòng, khu vực phòng thủ; các dự án trong khu vực có công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; các dự án nằm trong hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; các dự án có khả năng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Cụ thể: Sở Xây dựng, Bộ Chỉ huy Quân sự TP và Công an TP phối hợp thực hiện và cập nhật thường xuyên ranh giới các khu vực quân sự, khu vực có công trình quốc phòng, khu vực phòng thủ, danh sách các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, khu vực hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia... trình UBND TP và Bộ Tư lệnh Quân khu V phê duyệt làm cơ sở thẩm tra các dự án.
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, nội dung phối hợp gồm: Thẩm định tính chất dự án đầu tư, thành phần nhà đầu tư, năng lực đầu tư; kiểm tra những tác động của dự án đến vấn đề an ninh, quốc phòng; phối hợp kiểm tra thực địa; lấy ý kiến các cơ quan có liên quan; tổ chức họp phản biện (nếu cần thiết).
Đặc biệt, TP Đà Nẵng cũng thành lập tổ công tác phối hợp triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn có liên quan đến quốc phòng, an ninh, gồm nhiều đơn vị thành viên.
Tổ công tác này do Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì, có trách nhiệm nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến tham gia về kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ, khu vực có công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia... báo cáo UBND TP xem xét, quyết định. Đồng thời, tham mưu UBND TP có văn bản kiến nghị với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng vượt thẩm quyền của TP.
Quy chế này cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ trì lập quy hoạch phải thực hiện việc lấy ý kiến của các cơ quan quản lý quốc phòng, an ninh. Trong đó, giao Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng là cơ quan chủ trì, có trách nhiệm kiểm tra những nội dung liên quan đến lĩnh vực quốc phòng trong khu vực phòng thủ của TP và báo cáo về Bộ Tư lệnh Quân khu V, Bộ Quốc phòng thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (không thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5) hoạt động trong khu vực phòng thủ của TP có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội…
Theo quy chế này quy định rất chặt chẽ trong phối hợp thẩm định các dự án liên quan đến khu vực "nhạy cảm" về quốc phòng.
Thậm chí, trong giai đoạn xây dựng các công trình của dự án nằm trong khu vực phòng thủ, khu vực có ảnh hưởng đến yếu tố quốc phòng… TP Đà Nẵng ủy quyền cho tổ công tác phối hợp thẩm định các dự án, tiến hành thường xuyên kiểm tra không định kỳ các hạng mục xây dựng và tiến độ thi công.
“Khi xét thấy có biểu hiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an ninh, quốc phòng, tổ công tác phải báo cáo, tham mưu UBND TP có văn bản kiến nghị với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định” - ông Thơ yêu cầu.
Trong khi đó, đối với các dự án khác, trong giai đoạn xây dựng, nếu xét thấy có ảnh hưởng đến yếu tố quốc phòng, an ninh thì tổ công tác phải báo cáo, tham mưu UBND TP chủ trì xử lý kịp thời. Ngoài ra, trong giai đoạn vận hành các dự án, khi xét thấy có biểu hiện ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh thì tổ công tác phải báo cáo, tham mưu UBND TP chủ trì, xử lý kịp thời.
Những trường hợp có biểu hiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề an ninh, quốc phòng, UBND TP có văn bản kiến nghị với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Như Pháp Luật TP.HCMtừng nhiều lần phản ánh, trên địa bàn TP Đà Nẵng trong những năm qua đã cấp phép, phê duyệt cho nhiều dự án đầu tư của nước ngoài tại các khu vực “nhạy cảm” về an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, có một số dự án của Trung Quốc đặt tại các vị trí cản trở pháo phòng không nằm cạnh sân bay và cảng quân sự; dự án nằm trên tuyến đường phòng thủ... Được biết đến nay đã có một số dự án “nhạy cảm” đã được thu hồi.