Đà Nẵng: Xe buýt trợ giá vắng bóng người đi

Đến nay, 5 tuyến xe buýt trợ giá gồm số 05, 07, 08, 11, 12 đã chính thức đưa vào phục vụ người dân.

Với tần suất 20 phút/chuyến vào giờ bình thường và 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm, thời gian hoạt động của các tuyến từ 5 giờ đến 21 giờ hằng ngày.

Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 9-2, sau gần 2 tháng đưa vào phục vụ nhưng số lượng khách đi xe rất ít. Một ngày trung bình chỉ có 3-4 khách/ xe, thậm chí có chuyến xe chỉ chạy rông không có ai đi.

Trước khi chạy, xe buýt được lau chùi sạch sẽ để đón khách nhưng thực tế khách chỉ lèo tèo vài người. Ảnh: NGUYỄN TRI.

Anh Trần Đại Hưng, phụ xe tuyến số 12, cho biết trong một ca (5 giờ sáng đến 12 giờ trưa) số lượng vé anh bán ra nhiều nhất là 12 vé, bình thường là 3-4 vé, còn không bán được vé nào là chuyện bình thường.

Cũng theo anh Hưng, giá vé cho từng tuyến là 5.000 đồng/lượt/tuyến; vé tháng đi 1 tuyến là 45.000 đồng/tháng áp dụng cho đối tượng ưu tiên và 90.000 đồng/tháng với đối tượng không ưu tiên.

TP Đà Nẵng đã trợ giá, vé chỉ còn 5.000 đồng/lượt nhưng người dân vẫn không mặn mà. Ảnh: NGUYỄN TRI.

“Xe mình có quảng đường di chuyển xa nhất, từ bến Xuân Diệu đến Công viên biển Đông mất 72 phút. Hầu hết ngày nào cũng chỉ có hai anh em lái chính và phụ thôi, không có khách nên cũng rất buồn”, anh Hưng chia sẽ.

Cũng theo anh Hưng, thông thường, khách đi nhiều nhất vào giờ cao điểm từ 6-7 giờ sáng và 16- 18 giờ chiều, còn các giờ khác thì rất ít người đi. Chủ yếu là mấy em học sinh, sinh viên và người già.

Anh Trần Đại Hưng, phụ xe tuyến số 12, cũng chạnh lòng khi không có khách đi. Ảnh: NGUYỄN TRI.

Chúng tôi lên xe buýt tuyến 12 đi thử thì chỉ có duy nhất một vị khách là ông Lê Đình Sức, 72 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.

Ông Sức cho biết ông đi thử xe buýt cho biết và vì rẻ. Tuy nhiên, hiện nay người dân chủ yếu xử dụng xe máy là phương tiện di chuyển chính. “Đối với xe buýt này người dân còn chưa quen. Ít người đi lắm”, ông Sức chia sẽ.

Lê Đình Sức, 72 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng là vị khách duy nhất đi xe tuyến 12. Ảnh: NGUYỄN TRI.

Được biết, không chỉ khách đi lèo tèo mà điều làm các tài xế xe buýt khó chịu là xe ô tô, xe tải và xe máy đậu chiếm chổ ngay trên khu vực đậu của xe buýt gây khó khăn mỗi khi đến trạm.

Anh Đặng Công Hưng, lái xe tuyến 12, bức xúc: "Hiện TP chưa có biện pháp nào để cấm các xe khác đậu vào phần đường dành của xe buýt, nên buộc lòng chúng tôi phải đậu ra ngoài đường. Điều này sẽ rất nguy hiểm cho hành khách khi lên xe và người tham gia giao thông. Khu vực đường Lê Đình Lý, đường Duy Tân và chợ Cồn tới giờ cao điểm việc đậu đỗ rất khó khăn, gây kẹt xe".

 Xe buýt phải đậu ra ngoài đường mỗi khi đến trạm vì chổ đậu đổ đã bị xe ô tô khác lấn chiếm. Ảnh: NGUYỄN TRI.

“Đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp để xe chúng tôi có chỗ đậu khi đến trạm, chứ cứ đứng ra ngoài đường như thế này thì rất nguy hiểm cho chúng tôi và người tham gia giao thông”- anh Hưng nói thêm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho hay do mới đưa vào vận hành nên hệ thống xe buýt có trợ giá của TP vẫn chưa có người đi nhiều. “Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể, tuy nhiên cần có thời gian để người dân làm quen với xe buýt rồi mới mong có người đi được”, ông Trung nói.

Theo đề án của UBND TP Đà Nẵng, đến năm 2030, hệ thống xe buýt sẽ bao phủ toàn TP. Trước mắt, giai đoạn 2015-2020, TP mở 5 tuyến vận tải hành khách công cộng theo hình thức xe buýt nhanh và 14 tuyến xe buýt thường. Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư 58 xe buýt nhanh và hơn 210 xe buýt thường.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm