Đã nghe đã thấy: Mấy chú làm cháu đau tim

Thảm thương hơn, các em học sinh vốn chỉ biết “khóc” trong vô vọng: “Mấy chú làm vậy các cháu đau tim lắm” khi chính sách cứ thay đổi xoành xoạch. Đến nay, Bộ tiếp tục đưa ra đề án Kỳ thi quốc gia để giảm áp lực thi cử cho học sinh, tuy nhiên thực tế chẳng mấy lạc quan khi cả ba phương án đề xuất của Bộ vẫn nặng nề.

Nếu bình tĩnh nhìn lại các phương án mà Bộ đề ra sẽ thấy Bộ vẫn cứ loay hoay theo kiểu ôm đồm. Minh chứng rõ nhất là chuyện Bộ vẫn chưa “dám” quên kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Cứ nhìn xuống mà xem, để hoàn thành 12 năm học, các em phải trải qua ít nhất hai kỳ thi mỗi năm (giữa kỳ và cuối kỳ) và hàng loạt bài kiểm tra. Nếu công tác đánh giá học sinh theo đúng chuẩn của Bộ thì các em học lơ tơ mơ sẽ ở lại lớp. Ngược lại, nếu học sinh đã vượt qua được các kỳ thi học kỳ thì kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn là chuyện… đi thi cho có. Bằng chứng là năm nào cũng gần 100% học sinh tốt nghiệp THPT trên cả nước. Tại nhiều nước tiên tiến, học sinh THPT được “khoán” một lượng học phần nhất định (theo tín chỉ). Hoàn thành số lượng học phần là tốt nghiệp THPT. Tại sao Bộ không mạnh dạn bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT để bớt tốn kém, học sinh cũng bớt căng thẳng?

Câu hỏi mà Bộ có thể đặt ngược lại: Làm thế nào tuyển sinh ĐH, CĐ? Chuyện này thiết nghĩ Bộ Giáo dục càng không phải quá bận tâm chuyện thi môn gì, thi như thế nào. Mục tiêu của đào tạo ĐH, CĐ là cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Đây là câu chuyện của trường ĐH và các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể lao động (mà đại diện là các hiệp hội nghề nghiệp). Đào tạo bao nhiêu người, chương trình học ra sao cho tốt, đầu ra như thế nào để phù hợp… hơn ai hết chính trường ĐH và đơn vị tuyển dụng biết rõ, thỏa thuận với nhau.

Lấy ví dụ ở nhiều nước châu Âu, sinh viên báo chí khi ra trường phải trải qua vòng thực tập và đánh giá của hiệp hội nghề báo (gồm những chuyên gia, nhà báo điều hành). Hiệp hội sẽ trả kết quả quyết định sinh viên có đảm bảo chuyên môn và tố chất của nhà báo hay chưa. Từ đó sinh viên có thể cải thiện hoặc đi làm. Bên cạnh đó, hiệp hội nghề báo còn cung cấp dữ liệu về chất lượng sinh viên, nhu cầu xã hội… để trường ĐH điều chỉnh chỉ tiêu, chương trình đào tạo.

Một chuyên gia giáo dục công tác tại ĐH Quốc gia TP.HCM trước đây từng khẳng định: “Không ai chọn sinh viên đầu vào tốt bằng chính bản thân trường ĐH. Họ hiểu rằng họ cần những người có tố chất gì, có khả năng gì để đào tạo cho xã hội”. Việc của Bộ là: i) Kiểm định, đánh giá, kiểm soát chỉ tiêu đầu vào phù hợp với số lượng giảng viên, cơ sở vật chất của trường nhằm đảm bảo công tác đào tạo tốt nhất. Tránh trường hợp giáo viên dỏm hoặc nhồi nhét số lượng sinh viên. Bên cạnh đó, ii) Bộ giữ chức năng thanh tra công tác đào tạo của các trường nhằm đảm bảo công tác đào tạo diễn ra đúng-đủ-chất lượng. Quan trọng không kém, iii) Bộ cần xây dựng đề án để mở đường cho các hiệp hội nghề nghiệp hoạt động, tạo sợi dây liên kết giữa thị trường lao động và trường đào tạo, tránh dư thừa nguồn nhân lực hoặc đào tạo ra thành quả kém chất lượng.

Hiện nay Bộ Giáo dục chưa dám “hy sinh” những công việc vốn phải để cho trường ĐH, các doanh nghiệp hay đơn vị tuyển dụng thực hiện. Cả Bộ còn tự tạo gánh nặng, áp lực cho mình thì lấy đâu ra chuyện “giải phóng” áp lực thi cử cho học sinh?

ĐỖ THIỆN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm