Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các xã/phường là chính sách của TP Đà Nẵng trong nhiều năm qua. Đối tượng được thu hút là các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và hứa hẹn sẽ bổ sung nguồn cán bộ trẻ, có năng lực cho các xã/phường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đang có những chướng ngại không dễ vượt qua trong việc sử dụng nhân tài.
Sẽ kiểm tra nơi bố trí nhân tài bất hợp lý
Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (công tác tại UBND phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) phản ánh: “Việc bố trí, sử dụng đối tượng thuộc diện thu hút như chúng tôi vẫn còn rất nhiều bất cập. Có nhiều người đã không được sử dụng đúng vị trí, ngành nghề mình được đào tạo”. Cũng thế, chị Nguyễn Thị Lành (công tác tại UBND xã Hòa Ninh) phàn nàn về việc sau khi thu hút về thì không được bố trí công việc theo đúng chuyên môn. Theo chị, có trường hợp không đủ trình độ, không có chuyên môn lại được bố trí công việc đáng lẽ phải bố trí cho người khác phù hợp hơn. Về điều này, một “nhân tài” đang công tác tại UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) than thở: “Tôi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư công trình nông nghiệp nhưng khi về làm việc thì lại được bố trí đi làm công tác xóa đói giảm nghèo. Chuyên môn được học không thể được phát huy, không được bố trí đúng vị trí”.
Các cán bộ thuộc diện thu hút về làm việc tại các xã/phường của TP Đà Nẵng đang phản ánh những điều còn bất cập tại buổi đối thoại chiều 31-5. Trong ảnh: Anh Trần Văn No thắc mắc về việc mình đã công tác sáu năm mà vẫn chưa được thi công chức. Ảnh: LÊ PHI
Một số cán bộ cho biết sau một thời gian công tác vì được bố trí công việc không phù hợp, chính sách chưa thỏa đáng… và hơn hết là chưa được trọng dụng đúng mức nên đã có nhiều người xin nghỉ việc.
Trước sự phản ánh trên, ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho hay: “Việc sử dụng, bố trí sẽ được sở quan tâm lưu ý để phù hợp hơn”.
Nhằm tránh hiện tượng lãnh đạo các xã/phường đưa người thân vào làm việc ở các vị trí đáng lẽ ra phải bố trí cho đối tượng thuộc diện thu hút có chuyên môn hơn, ông Thương đề nghị kiểm tra một số phường/xã đang có hiện tượng bố trí nhân tài bất hợp lý. “Người được đào tạo bài bản, đạt chuẩn nhưng lại không được bố trí đúng ngành nghề, lại đi sử dụng những người không đạt chuẩn. Đây là việc làm không bình thường, thiếu sự công khai, minh bạch trong công tác cán bộ” - ông Nguyễn Thương nói.
Cũng theo ông Thương, có thể còn hiện tượng trù dập người tài, cất nhắc con em và người thân lãnh đạo”.
Trọng tình hay trọng tài năng?
Anh Trần Văn No (công tác tại UBND phường Thanh Bình, quận Hải Châu) bức xúc: “Tôi đã về làm việc sáu năm rồi nhưng đến nay vẫn chưa được thi công chức. Lên hỏi Phòng Nội vụ thì họ trả lời không biết đến khi nào phường mới được thi. Phường không có kế hoạch thi nên tôi làm hồ sơ dự thi ở quận, cuối cùng vẫn bị loại. Biết đến bao giờ đối tượng thuộc diện thu hút như chúng tôi mới được thi công chức?”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Nga (cán bộ dân vận UBND phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) được thu hút về công tác nhiều năm nay tại phường An Hải Đông nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét để được thi công chức. Theo chị Nga, TP cũng có quy định các đối tượng thuộc diện thu hút công tác 3-5 năm thì được xem xét thi công chức. “Thế nhưng chúng tôi đang phải chờ mãi” - chị Nga cho hay.
Ông Võ Ngọc Phi, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho hay đang tồn tại vấn đề “trọng tình” trong việc bố trí các đối tượng thi công chức. “Tôi có hỏi vì sao có hiện tượng người chỉ có bằng trung cấp lại được thi công chức, còn người thuộc diện thu hút lại không được thi? Địa phương họ trả lời: Người có bằng trung cấp nhưng đã công tác mấy chục năm rồi nên phải ưu tiên thi trước. Đối tượng thu hút còn trẻ, phải chịu khó chờ. Cái này là có sự nhường nhịn” - ông Phi thông tin.
Ông Nguyễn Thương cũng thừa nhận đang có những công chức biên chế làm việc không bằng người hợp đồng. “Nếu địa phương nào muốn chọn người thực tài thì họ sẽ khách quan, chọn người giỏi. Còn địa phương nào không quan tâm thì cứ thấy anh nào tội tội, quen thân là cho thi công chức trước. Nếu cứ tồn tại như vậy mãi, cứ chia sẻ, thông cảm với nhau mãi thì không biết đến khi nào chính quyền mới mạnh lên được” - ông Thương nhìn nhận.
Ông Thương nói thêm: “Khi đã muốn gạt anh ra thì người ta sẽ đưa ra các tiêu chí mà anh không đạt được. Còn nếu họ muốn thi thực tài thì sẽ không làm những điều đó”.
Ông Thương cũng cho rằng đối tượng thu hút đang rất mong mỏi được thi công chức và vẫn còn tình trạng lãnh đạo địa phương không tạo điều kiện cho đối tượng này thi mà đưa người quen, cán bộ lớn tuổi đi thi công chức trước. Chính sự “trọng tình” trong công tác cán bộ này đang gây khó cho các “tài năng”.
LÊ PHI