Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, thông tin: Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, nhà đầu tư BOT Cai Lậy là Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ (QL) 1 Tiền Giang đang chuẩn bị xây dựng thêm một trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy. Tuyến tránh này dùng để thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua Tiền Giang.
Xây thêm trạm mới trên tuyến tránh
Ông Trần Văn Bon cho biết thêm: Hiện nhà đầu tư đang trình Bộ GTVT việc xây dựng thêm trạm thu phí này. Khi nào xây dựng hoàn chỉnh sẽ tiến hành thu phí.
“Còn thời gian cụ thể khi nào tổ chức thu phí trở lại tôi không rõ, việc này sẽ do Bộ GTVT quyết định” - ông Bon nói.
Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cũng cho hay sở và chủ đầu tư đã khảo sát vị trí xây trạm BOT trên tuyến tránh. Theo đó, nhà đầu tư đã đề xuất vị trí xây dựng tại Km2 + 490 đến Km2 + 870 thuộc ấp Mỹ Phú, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy. Vị trí này nằm hoàn toàn trong phạm vi ranh giải phóng mặt bằng của dự án, vì vậy không phải giải phóng mặt bằng thêm.
Với đề xuất trên, khi nào được sự chấp thuận của Bộ GTVT và UBND tỉnh về vị trí xây dựng trạm thu phí trên tuyến tránh, Sở GTVT tỉnh sẽ đề nghị chủ đầu tư trong quá trình thiết kế, xây dựng trạm phải phối hợp, tham khảo ý kiến của địa phương. Mục đích trong quá trình khai thác không làm ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển giao thông đô thị của thị xã Cai Lậy.
Theo ghi nhận của PV, để chuẩn bị cho công tác thu phí trở lại đối với dự án BOT Cai Lậy, từ nhiều tháng nay, trên tuyến QL1 đoạn hai đầu tuyến tránh thị xã Cai Lậy xuất hiện nhiều biển báo cấm xe tải từ ba trục trở lên và xe khách từ 29 chỗ lưu thông vào trung tâm thị xã (trừ xe buýt), bắt buộc các phương tiện này phải lưu thông vào tuyến tránh.
Bộ GTVT dự kiến trong quý III-2020 sẽ tiến hành thu phí trở lại đối với trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: HOÀNG GIANG
Chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư
Ông Nguyễn Bảo Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Đại Ngân (tại huyện Cái Bè, Tiền Giang), cho biết hiện doanh nghiệp (DN) có 10 xe khách từ Cái Bè đi TP.HCM và ngược lại. Hằng ngày, xe của DN phải đi qua khu vực trạm BOT Cai Lậy.
Theo ông Toàn, nếu BOT Cai Lậy thu lại thì DN gặp khó khăn do chi phí vận chuyển sẽ tăng cao hơn, thời gian dự kiến đi TP.HCM cũng sẽ trễ hơn.
Việc dựng trạm thu phí trên tuyến tránh, nếu phương tiện nào đi tuyến này sẽ trả phí, khi nào đủ vốn sẽ dỡ trạm là hợp lý. Tuy nhiên, phần giữ lại trạm hiện hữu để thu cho việc tăng cường phần mặt đường QL1 thì tôi không đồng tình. Các phương tiện đã đóng phí đường bộ hằng năm, cạnh đó đường QL là để phục vụ người dân thì vì sao lại có chuyện trả tiền để lưu thông. Anh HÀ MINH TRÍ, tài xế xe tải ở Tiền Giang Người dân đã đóng phí xây dựng sửa chữa đường bộ mỗi năm. Vì vậy, lấy lý do nâng cấp, tăng cường mặt đường cho QL1 để giữ trạm hiện hữu thu phí là không được. Chủ trương xây thêm trạm trong tuyến tránh để thu phí cho tuyến này thì rất hợp lý, phương tiện nào đi tuyến này sẽ trả phí. Nếu đường bằng phẳng thì dĩ nhiên tài xế sẽ chọn để lưu thông và trả phí. Anh LÂM VĂN DŨNG, ngụ tỉnh Hậu Giang CHÂU ANH |
“Tôi không đồng tình với việc đặt trạm thu phí trên QL1, bởi đây là tuyến đường độc đạo có từ xưa đến nay. Thêm nữa, hằng năm DN đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi thì nay phải đóng phí qua trạm BOT này nữa thì không hợp lý. Thiết nghĩ Nhà nước nên mua lại phần tăng cường mặt đường này mà nhà đầu tư đã bỏ ra. Sau đó di dời trạm thu phí vào đường tránh để người dân có quyền chọn lựa, đi đường BOT thì người dân sẵn sàng trả phí, còn đi QL1 thì không phải đóng phí” - ông Toàn cho hay.
Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Thanh, đại diện Công ty TNHH MTV Mỹ Hằng Nguyên, bày tỏ: “Tôi đồng tình với việc thu phí cả hai trạm để chia sẻ với nguồn vốn mà nhà đầu tư đã bỏ ra. Trạm thu phí đường nào thì thu phí theo đường đó, đến khi hoàn đủ vốn trạm nào thì phải xóa bỏ trạm đó. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng nên xem xét giảm phí hợp lý cho người dân khu vực gần trạm vì phải qua lại thường xuyên” - ông Thanh chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Tiền Giang, nhận định: “DN chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn của DN khi phải tạm dừng thu phí thời gian qua. Nếu BOT Cai Lậy tổ chức thu phí trở lại, tôi cũng đồng tình với phương án thu phí cả hai trạm trên QL1 và tuyến tránh để hoàn vốn cho từng phần của dự án”.
Dự kiến quý III-2020 tiến hành thu phí Bộ GTVT cho hay sau khi nghiên cứu xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương, bộ đã báo cáo Thủ tướng các phương án xử lý. Thủ tướng giao cho bộ quyết định phương án thu phí. Bộ GTVT đã làm việc với các bên và quyết định phương án đầu tư thêm một trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy. Theo đó, dự án BOT Cai Lậy sẽ có hai trạm thu phí. Một trạm thu cho tuyến tránh và một trạm thu phí trên tuyến QL1 để hoàn vốn cho dự án. Với phương án thu phí như vậy, trạm thu phí nào hoàn vốn xong sẽ tiến hành dỡ bỏ. Bộ GTVT khẳng định sẽ thực hiện miễn, giảm phí chung cho các xe qua trạm và người dân cách trạm thu phí 10 km (trung bình giảm 49%-57%). Theo đó, dự kiến mức thu phí thấp nhất trên QL1 là 15.000 đồng/lượt, trên tuyến tránh là 25.000 đồng/lượt. Thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư ở mỗi trạm khoảng 11 năm. “Sau khi thu phí tại trạm BOT Cai Lậy được khoảng một năm, cơ quan chức năng sẽ cập nhật phương án tài chính, tính toán thời gian thu phí của dự án; đồng thời có điều chỉnh thời điểm dự kiến phân lưu lượng qua đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận” - Bộ GTVT thông tin. Bộ GTVT nhận định việc đảm bảo an ninh trật tự ở các trạm thu phí BOT nói chung và BOT Cai Lậy nói riêng phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của lực lượng công an, địa phương và Bộ Công an. Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo nhà đầu tư triển khai xây dựng thêm trạm thu phí trên tuyến tránh. Dự kiến trong quý III-2020 dự án sẽ thu phí trở lại. “Bộ GTVT cũng mong các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền một cách khách quan, đúng bản chất vấn đề. Đặc biệt là các kết quả đạt được trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư” - lãnh đạo Bộ GTVT cho hay. VIẾT LONG |