Theo đó, các nghiên cứu về ảnh hưởng của chất dioxin - thành phần trong chất khai quang (thường được gọi là chất độc da cam) mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong những năm chiến tranh cho thấy đang gây tác hại đến hệ di truyền, hàng trực hệ thứ tư (chắt) của người bị nhiễm độc.
Tại buổi kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cấp chính quyền nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam. Đặc biệt, với ở những địa phương còn tồn dư lớn chất độc hại này, Bộ Y tế cần có biện pháp chẩn đoán trước sinh nhằm hạn chế mức thấp nhất những nỗi đau da cam cho người dân trong vùng.
Chia sẻ thông tin về cuộc đấu tranh pháp lý vì quyền lợi nạn nhân da cam, bà Trần Tố Nga -người đã đệ đơn kiện dân sự lên Tòa án TP Evry, Cộng hòa Pháp cho biết đã có 19/26 công ty hóa chất Mỹ liên quan đến việc cung cấp chất khai quang cho quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam chấp nhận tham gia phiên tòa. Trong số này có hai công ty hóa chất lớn là Monsanto và Dow-Chemical.
Bà Trần Tố Nga - người khởi kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ - tham dự mít tinh kỷ niệm tại Hà Nội.
“Tuy còn nhiều khó khăn nhưng cho đến thời điểm này chúng ta đã có những thắng lợi khả quan. Thêm một phiên tòa là ta thắng một bước. Trên cơ sở này hàng triệu nạn nhân da cam có thể sẽ được bồi thường nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu” - bà Nga nói.
Từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin, xuống gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn ba triệu người là nạn nhân. Nhiều người bị tước những quyền con người cơ bản nhất, nhiều trẻ em ra đời bị dị dạng, dị tật bẩm sinh do chất dioxin. Hiện mỗi năm Nhà nước dành hơn 10.000 tỉ đồng cho việc chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân da cam.