Ngày 6-5, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).
Án đề nghị cao nhất 16 năm tù
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, tòa chuyển sang phần tranh luận. Mở đầu, đại diện VKS trình bày quan điểm luận tội đối với các bị cáo.
Theo đó, về tội buôn lậu, đại diện VKS đề nghị phạt Trần Ngọc Ánh (phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) 15-16 năm tù, 11 bị cáo còn lại 3-13 năm tù. Về tội vi phạm kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Nguyễn Thị Bích Hằng (kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) bị đề nghị 4-5 năm tù.
Các bị cáo tại phiên tòa chiều 6-5. Ảnh: UYÊN TRANG
Nguyễn Bảo Ngọc (giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường), người duy nhất hầu tòa về cả hai tội danh, bị đề nghị tổng hợp hình phạt 14-16 năm tù.
Đại diện VKS đánh giá đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa các bị cáo. Trong đó, Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) có vai trò chủ mưu, cầm đầu đường dây buôn lậu, các bị cáo còn lại là những người thực hành, giúp sức.
Cụ thể, từ năm 2014 đến năm 2019, Bùi Quang Huy chỉ đạo và tổ chức mua 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng, đồng hồ… (cả cũ và mới) từ 16 nhà cung cấp nước ngoài với tổng giá trị 2.927 tỉ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định để thực hiện việc mua bán trái phép, Huy lập nhiều nhóm chat trên các ứng dụng trực tuyến (WhatsApp, WeChat…), phân công công việc cho từng nhân viên.
Tiếp đó, Huy bỏ ra gần 73 tỉ đồng để thuê chín đường dây vận chuyển trái phép số hàng hóa trên. Hàng được đưa vào Việt Nam thông qua đường biển về cảng Hải Phòng, đường hàng không về sân bay Nội Bài và đường bộ vào tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh. “Toàn bộ hoạt động mua bán hàng hóa từ nước ngoài không có hóa đơn, không có chứng từ, không khai báo cơ quan chức năng…” - cáo trạng nhấn mạnh.
Sau khi hàng về tới Hà Nội, Huy chỉ đạo nhân viên đưa về kho của Công ty Nhật Cường tại 39 Lý Quốc Sư. Với hệ thống cửa hàng trải khắp Hà Nội, Công ty Nhật Cường đã tiêu thụ 254.364 sản phẩm, thu được hơn 3.213 tỉ đồng, qua đó hưởng lợi hơn 221 tỉ đồng.
Ngoài ra, Huy còn chỉ đạo ghi sổ sách kế toán trên hai hệ thống. Trong đó, hệ thống sổ sách nội bộ của Nhật Cường sẽ ghi chép đầy đủ số liệu kinh doanh, thu chi…, bao gồm cả số hàng nhập lậu; ngược lại, hệ thống sổ sách công khai với cơ quan quản lý nhà nước chỉ ghi chép một phần đối với những hàng hóa có giấy tờ.
Việc lập hai hệ thống sổ sách kế toán đã bỏ ngoài sổ sách tài sản, nguồn vốn hoạt động thực tế của Công ty Nhật Cường, chỉ tính phần nghĩa vụ nộp thuế đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỉ đồng.
Bị cáo nói “sốc” khi nghe mức án đề nghị
Ngay sau phần luận tội của đại diện VKS, đa số bị cáo đều cho rằng mức án mà họ bị đề nghị là quá nặng.
Bị đánh giá có vai trò cao thứ hai trong vụ án, Trần Ngọc Ánh (phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) nói cảm thấy “sốc” khi nghe đại diện VKS đề nghị tuyên phạt mình 15-16 năm tù.
Bị cáo Ánh không đồng tình với VKS khi cho rằng mình biết rõ về hoạt động buôn lậu của Công ty Nhật Cường. Bởi theo bị cáo, thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, ông chưa ý thức đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo lời bị cáo Ánh, lúc đó trên thị trường có rất nhiều công ty kinh doanh hàng xách tay. Hơn thế, Công ty Nhật Cường từng bị các cơ quan như công an, kinh tế, quản lý thị trường kiểm tra, nhiều lần xử phạt hành chính.
Khi bị cáo Ánh lo lắng về nguồn hàng bất minh thì ông chủ Công ty Nhật Cường trấn an rằng sẽ chỉ bị xử phạt, nếu bị tịch thu sản phẩm thì “công ty lo, các em không phải lo”. Đồng thời, Bùi Quang Huy còn tuyên bố ai làm được thì làm, không thì nghỉ việc.
Tháng 9-2018, khi một lô hàng bị bắt tại sân bay Nội Bài, trong đó có điện thoại của Nhật Cường, bị cáo Ánh biết việc mình làm là vi phạm pháp luật, rất sợ, không muốn làm nữa nên đã đến gặp Huy để xin nghỉ việc. Tuy nhiên, Huy níu giữ Ánh giúp công ty thêm một thời gian nữa vì đang phải nuôi 500 nhân viên, thuê hàng chục mặt bằng…
“Bị cáo rất hối hận và xin nhận phần trách nhiệm của mình về những hậu quả cả một tập thể gây ra. Bị cáo mong HĐXX xem xét bởi các bị cáo đều vì cuộc sống mưu sinh mà làm theo lệnh của ông chủ. Người hưởng lợi duy nhất ở công ty là Bùi Quang Huy, thế nhưng ông ấy lại bỏ trốn, không có mặt ở đây để gánh hậu quả cùng các bị cáo” - bị cáo Ánh trình bày.
Giống với bị cáo Ánh, nhiều bị cáo khác khi tự bào chữa đều cho rằng mình chỉ là người làm công ăn lương, ông chủ giao việc thì phải làm. Sau khi vụ án bị khởi tố, họ đã ăn năn hối cải, tích cực giúp cơ quan điều tra trích xuất dữ liệu để làm rõ các hành vi phạm tội…, do vậy mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Bùi Quốc Việt, anh của Bùi Quang Huy, cho rằng không quan tâm đến công việc của Nhật Cường, cũng rất ít khi đến công ty. “Nếu bị cáo không phải là anh của Huy thì bị cáo đã bị đuổi việc từ lâu rồi. Vai trò của bị cáo trong vụ án này không có gì cả, rất mờ nhạt” - bị cáo này phân trần.
Hôm nay, 7-5, tòa tiếp tục phần tranh luận.
Chênh lệch ngàn tỉ từ phần mềm bí mật
Tài liệu từ Cục Thuế tp Hà Nội thể hiện giai đoạn 2014-2018, Công ty Nhật Cường có tổng tài sản hơn 503 tỉ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hơn 4.889 tỉ đồng. Cũng trong giai đoạn này, Công ty Nhật Cường đã nộp vào ngân sách hơn 1.378 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và 12 tỉ đồng thuế GTGT. Tuy nhiên, hệ thống sổ sách nội bộ bằng phần mềm “bí mật” ERP do Bùi Quang Huy và đồng phạm sử dụng cho thấy trong giai đoạn trên, Công ty Nhật Cường có tổng tài sản hơn 883 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế lên tới 8.274 tỉ đồng. Như vậy, hai hệ thống kế toán của Công ty Nhật Cường có sự chênh lệch rất lớn, tới hơn 379 tỉ đồng về tổng tài sản và hơn 3.384 tỉ đồng về lợi nhuận trước thuế. Hệ thống ERP cũng thể hiện Công ty Nhật Cường đã mua vào số hàng trị giá hơn 5.700 tỉ đồng nhưng chỉ nộp thuế cho số hàng trị giá hơn 1.500 tỉ đồng, số hàng còn lại trị giá hơn 4.200 tỉ đồng không có hóa đơn.