Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói về sách giáo khoa, hỗ trợ đồng bào bão lũ

(PLO)- Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng việc hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng do bão lũ phải càng sớm càng tốt, tuy nhiên phải có chính sách căn cơ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam

Sáng 1-10, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 7 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Gò Vấp trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tổ đơn vị số 7 gồm bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM; ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM; bà Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận.

Nên có chính sách hỗ trợ bão lũ thống nhất

Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Minh Tới (khu phố 21, phường 3) nêu ý kiến cho rằng hiện nay giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn ở mức giá khá cao. Trong khi đó, đầu năm học phụ huynh có nhiều khoản phải đóng góp gây rất nhiều khó khăn cho các gia đình có mức thu nhập thấp.

"Cần thiết có phương án dài hạn đối với việc cải tổ, sửa đổi sách giáo khoa lên thời hạn 5-10 năm, ưu tiên tái sử dụng sách giáo khoa qua các thế hệ để tránh lãng phí" - ông Tới nói và đề nghị các bộ ngành liên quan xem xét nghiên cứu có giải pháp hữu hiệu đối với sách giáo khoa.

Phạm Khánh Phong Lan (1).jpg
Ông Nguyễn Minh Tới (khu phố 21, phường 3) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: HT

Liên quan đến công tác hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ, ông Tới nhìn nhận thực tế rằng hiện nay Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với người dân không may bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ông Tới cho rằng quá trình triển khai thực hiện một số chính sách còn chưa kịp thời, thống nhất, mỗi địa phương có cách hỗ trợ khác nhau nên hiệu quả chưa cao.

"Thiết nghĩ cần thiết có một chính sách thống nhất từ trung ương đến địa phương, ngoài ra địa phương cần bám sát thực tế hơn, rà soát cụ thể hơn để tạo sự đồng nhất, mang lại hiệu quả cao" - ông Tới nói.

Chính sách phải rõ ràng, minh bạch

Trả lời các ý kiến liên quan đến sách giáo khoa, chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do bão lũ, Giám đốc Sở ATTP TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan đã có những ý kiến hết sức thiết thực, sâu sát đến cử tri.

Theo đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thống nhất với ý kiến kiến nghị về giáo dục của cử tri, đồng thời cho rằng việc giải quyết phải tận gốc.

"Có một hiện tượng là chúng ta hô hào xã hội hóa giáo dục, y tế. Nhưng thực chất nếu tăng cường đóp góp xã hội, Nhà nước rút lui vai trò thì các đơn vị sự nghiệp sẽ hoạt động không có quy định rõ ràng và không có sự hỗ trợ căn bản của Nhà nước. Tóm lại, Nhà nước cũng cần phải bao cấp một phần cho giáo dục và y tế, đây là an sinh xã hội cho người dân" - Giám đốc Sở ATTP TP.HCM nói.

Phạm Khánh Phong Lan (2).jpg
Giám đốc Sở ATTP TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan trả lời các ý kiến cử tri. Ảnh: HT

Theo bà Lan, nếu không có sự tham gia của Nhà nước, để các đơn vị sự nghiệp thỏa sức làm, lời thì ăn, lỗ thì chịu, các nguồn phí thì lấy từ người dân, nếu không giải quyết được sẽ phải đối mặt với tiêu cực dài.

"Xã hội hóa cũng có cái tốt là người dân cùng gánh sức, nhờ đó giáo dục và y tế có được các cơ sở được khang trang, nhưng về lâu dài thì sai mục tiêu và đó là nơi ươm mầm của tội lỗi. Xã hội hóa ở đây là làm sao phải tăng cường tính tự chủ, đồng thời Nhà nước phải đảm bảo công tác quản lý trong một số trường hợp" - bà Lan chia sẻ.

Về chính sách hỗ trợ người thiên tai, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết sẽ đặt hàng vấn đề này với Ủy ban MTTQ Việt Nam.

Phạm Khánh Phong Lan (3).jpg
Quang cảnh buổi tiếp xúc. Ảnh: HT

"Ủy ban MTTQ Việt Nam hiện nay là đơn vị uy tín trong việc đứng ra kêu gọi hỗ trợ đồng bào bão lũ, nhưng không chỉ dừng lại ở việc nhận nguồn vào mà cần thiết phải lên kế hoạch cụ thể ở cấp độ quận, huyện, thống nhất giữa các tỉnh thành" - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Bên cạnh đó, khi MTTQ Việt Nam thực hiện sao kê, nhiều người thay vì lao động để giúp đồng bào bị lũ lụt thì lại có thể thức hằng đêm để soi mấy ngàn trang sao kê xem ai đóng góp ít, đóng nhiều. Theo bà Lan đó là việc làm sai ý nghĩa, "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", khi đặt vào hoàn cảnh khốn khó thì một đồng cũng đáng quý.

Cũng theo bà Lan, những trường hợp "phông bạt" đóng góp để đùa giỡn thì hãy để cho lương tâm họ tự cắn rứt. Cái chúng ta cần là huy động xã hội, phải giải ngân càng sớm càng tốt, việc tái thiết vùng bão lũ phải có chương trình, kế hoạch rõ ràng và thông báo cho người dân...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm