Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi: Không né tránh vấn đề tham nhũng, tiêu cực

(PLO)- Chủ tịch nước nhấn mạnh sẽ lắng nghe toàn bộ tâm tư, nguyện vọng của người dân, không né tránh ngay cả những vấn đề nóng, kể cả việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 10 đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi trước kỳ họp thứ 4, QH khóa XV.

Tổ ĐB đơn vị 10 còn có Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng dự buổi tiếp xúc.

Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi: Không né tránh vấn đề tham nhũng, tiêu cực ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi sáng 12-10. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết lãnh đạo cùng một số sở, ban ngành TP, ĐBQH cũng đã đến tham dự. Đây là cơ hội để các cử tri đề đạt, bày tỏ ý kiến về những vấn đề trong cuộc sống mà bà con quan tâm.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, tinh thần của buổi tiếp xúc là sẽ lắng nghe toàn bộ tâm tư, nguyện vọng của người dân, không né tránh ngay cả những vấn đề nóng, kể cả việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Các ĐB cũng sẵn sàng dành thời gian ghi nhận những vấn đề mang hơi thở cuộc sống của người dân, phản ánh nguyện vọng chính đáng của người dân, bà con cử tri như chính sách phát triển huyện Củ Chi, vấn đề tăng học phí…

Chủ tịch nước khẳng định, tổ ĐB cùng lãnh đạo TP mong muốn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết trên tinh thần làm việc thẳng thắn, có trách nhiệm với các vấn đề mà cử tri phản ánh.

Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi: Không né tránh vấn đề tham nhũng, tiêu cực ảnh 2

Cử tri huyện Củ Chi tham dự buổi tiếp xúc. ẢnH: HOÀNG GIANG

Thông tin đến cử tri, Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ tư lệnh TP.HCM, cho hay trong chương trình kỳ họp thứ 4 lần này, QH sẽ xem xét, thông qua bảy dự án luật gồm Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Ngoài ra còn có ba dự thảo nghị quyết gồm Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu với bảy dự án luật, gồm Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

QH cũng sẽ xem xét cho ý kiến vào báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2022; dự kiến mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm