Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về các vấn đề kinh tế xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023, thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Các đại biểu tại đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã quan tâm đến vấn đề về già hóa dân số hay tỉ lệ sinh của Việt Nam đang ở mức rất thấp…
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết tỉ lệ sinh của Việt Nam năm 2023 đã xuống tới mức thấp nhất từ 1975 đến nay, chỉ đạt 1,96. “Đây là dấu hiệu cần đặc biệt được quan tâm” – ông Nhân nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ sớm có sơ kết để cập nhật các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 21/2017 của Trung ương về công tác dân số trong thời kỳ mới, để từ đó có những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo phát triển về lao động, về dân số.
Ông dẫn chứng bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, hiện tỉ lệ sinh ở những nước này là rất thấp, dẫn đến những hệ lụy về phát triển kinh tế - xã hội.
Góp ý cho vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng mỗi chính sách sẽ đúng trong từng giai đoạn, còn hiện nay chúng ta đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhưng chưa có giải pháp để khắc phục.
Bà dẫn chứng trong 19 điều đảng viên không được làm thì có yêu cầu không được vi phạm chính sách về dân số. "Thực tế đã có những trường hợp rất đau lòng là kỷ luật đảng viên vì sinh con thứ ba" - bà Lan nói và nói nếu chúng ta đã nhận ra được vấn đề thì cần có những biện pháp thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Còn đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân thông tin qua trao đổi, khảo sát về lý do chưa sinh tiếp, nhiều chị em phụ nữ cho biết không an tâm khi gửi con tại các nhóm lớp, trường học… cùng nhiều điều kiện, dịch vụ khác họ cũng chưa thực sự an tâm. “Để chăm sóc một đứa trẻ được toàn diện thì cần rất nhiều điều kiện, trong đó có điều kiện về kinh tế” – bà Trân nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề tỉ suất sinh cũng như già hoá dân số, đại biểu Trần Kim Yến nhìn nhận Việt Nam đang có tốc độ già hoá dân số rất nhanh. “Đây là điều rất đáng báo động” – bà Yến nói và cho rằng chúng ta có thể chưa nhìn thấy ngay tác động của các chính sách mà phải đến 18 năm sau mới thấy rõ. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ cần có những chính sách để thay đổi suy nghĩ của người dân trong việc sinh đủ con.
Bà cũng cho biết đôi khi thu nhập của cha mẹ không đủ cho các chi phí để nuôi, chăm sóc cho một trẻ. Bên cạnh vấn đề về thu nhập, giáo dục thì một nguyên nhân khác cũng được đặt ra là tình trạng sợ sinh… Do vậy, đại biểu Trần Kim Yến cho rằng rất cần một báo cáo tổng thể hơn từ Chính phủ về vấn đề này.
“Hiện nay đang có xu hướng lớp trẻ không lập gia đình, lập gia đình nhưng không sinh con, thậm chí nuôi thú cưng để làm niềm vui trong cuộc sống…” - bà Trần Kim Yến nói thêm và cho rằng cần sớm có giải pháp để giải quyết tình trạng này.