Việt Nam có tỉ lệ vô sinh cao

(PLO)- Ước tính mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, chiếm 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu ra tại hội thảo Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, tổ chức sáng 10-11 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Y tế, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao, ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số trong tương lai, cũng như hàng triệu cá nhân, cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chờ mong hạnh phúc làm cha, mẹ.

“Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh già hóa dân số. Đồng thời, tác động tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội”, bà Hương nhấn mạnh.

việt nam có tỉ lệ vô sinh cao
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương. Ảnh: TT

Tỉ lệ gia tăng dân số tại Việt Nam giảm từ 3,93% vào năm 1960 xuống còn 0,97% vào năm 2022. Đáng lưu ý, có sự chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao, còn 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và rất thấp, tập trung ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung.

Theo số liệu thống kê năm 2019, trung bình một phụ nữ có mức sống nghèo nhất có 2,4 con, trong khi đó, một phụ nữ có mức sống giàu sinh 2 con. Trung bình một phụ nữ có trình độ học vấn dưới tiểu học sinh 2,35 con, trên trung học phổ thông có 1,98 con.

“Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đô thị hóa ngày càng nhanh, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng ít con sẽ ngày càng lan rộng. Mức sinh thấp sẽ để lại rất nhiều hệ lụy”, Thứ trưởng Y tế cho biết.

Cũng tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, chia sẻ: “Một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là tỉ lệ vô sinh của Việt Nam ở mức cao.

Cần thảo luận những giải pháp can thiệp, hỗ trợ trong thời gian tới để giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn được hưởng hạnh phúc làm cha, mẹ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.

ti-le-vo-sinh-cao.jpg
Các chuyên gia thảo luận về tình trạng vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam. Ảnh: TT

Còn theo PGS Hồ Sỹ Hùng, PGĐ Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia, vô sinh, hiếm muộn chỉ chiếm một phần rất nhỏ để dẫn tới mức sinh thấp ở Việt Nam.

“Nhiều gia đình không có con hoặc ít con không phải vì vô sinh, hiếm muộn, mà vì nhiều lý do khác. Ví dụ, khi một cặp vợ chồng lấy nhau, vì chưa đủ điều kiện kinh tế, họ trì hoãn việc có con. Trong khi đó, cứ sau 1 năm, khả năng có con của người phụ nữ lại giảm đi một chút.

Như vậy, trong nhiều trường hợp, có thể họ không vô sinh, nhưng sau đó lại vô sinh thật. Đây là một vòng luẩn quẩn, cần nhìn nhận vào thực tế này để có giải pháp đúng đắn”, ông Hùng nói.

Trên thế giới, mức sinh ở hầu hết các châu lục đều liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế. Dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau năm 2055, trở thành một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.

Tại Việt Nam, dự báo dân số năm 2024 tăng từ 0,9 đến 0,93%, năm 2029 tăng 0,68 đến 0,765%.

Để giải quyết chênh lệch mức sinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Ngày 5-6-2020, Bộ trưởng Y tế có quyết định 2324/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện, trong đó nêu rõ cần đạt mục tiêu đến năm 2030 của vùng mức sinh thấp là “Tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm