Nhiều bệnh viện ở TP.HCM quá tải chạy thận

(PLO)- Bệnh nhân chạy thận tại TP.HCM ngày càng tăng trong khi nhân lực thiếu hụt, nhiều bệnh viện quá tải phải tổ chức thêm ca, thậm chí chạy thận xuyên đêm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông HBD (64 tuổi, ngụ Ninh Thuận) chạy thận tại khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện (BV) Thống Nhất, TP.HCM đã một tháng nay. Cách đây một năm, phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối, ông chạy thận ở tỉnh Ninh Thuận, sau đó bị viêm cầu thận nặng nên chuyển lên BV Thống Nhất điều trị.

Chuyển tuyến trên do bệnh nặng

“BV tỉnh rất đông bệnh nhân, tình trạng của tôi lại chuyển nặng nên gia đình chuyển lên đây điều trị cho yên tâm” - ông D kể.

Anh LDA (39 tuổi, ngụ Sóc Trăng) cũng điều trị ở khoa này khoảng hai tuần. Năm năm trước, khi còn làm công nhân tại TP.HCM, anh hay bị tăng huyết áp, hai bàn chân bị phù. Đi khám tại BV Thống Nhất thì biết là suy thận mạn giai đoạn cuối.

“Sau khi mổ và lọc màng bụng tại BV hai tháng, tôi được cho về và tự lọc tại nhà 6 tiếng/lần theo hướng dẫn. Gần đây tôi bị đau bụng, dịch ra đục, nhiễm trùng nên quay lại BV khám. Bác sĩ chỉ định nhập viện, lọc thận 21 ngày” - anh A chia sẻ.

quá tải chạy thận tại tphcm
TS-BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu BV Thống Nhất, thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Còn chị HTAT (41 tuổi, ngụ Tiền Giang) phát hiện bị suy thận cách đây hơn sáu năm, có tiền sử tăng huyết áp. Do thường bị mệt nên chị đi khám BV tư, bác sĩ chẩn đoán suy thận giai đoạn 4, cho chị thuốc uống nhưng tình trạng không cải thiện.

“Nửa tháng sau tôi bị tràn dịch phổi, cấp cứu xong thì chuyển lên BV Chợ Rẫy lọc thận hơn một tháng. Tiếp đó qua BV Nguyễn Tri Phương lọc thận định kỳ gần sáu năm do có BHYT tại đây. Giờ chuyển về quê nên mỗi tuần tôi đều chạy xe lên đây ba lần” - chị T chia sẻ.

Bệnh nhân tăng, nhân lực thiếu

Theo TS-BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu BV Thống Nhất, hiện mỗi ngày BV chạy thận chu kỳ cho khoảng 200 bệnh nhân, 5-10 bệnh nhân chạy thận cấp cứu, đa phần đến từ các tỉnh. “Trước dịch COVID-19 một tháng, bình quân khoa nhận khoảng 20 bệnh nhân mới từ tuyến dưới lên thì nay con số này chừng 40 người” - BS Bách cho biết.

Nguyên nhân bệnh nhân chạy thận tăng gấp đôi, BS Bách lý giải do ngày càng nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý đường tiết niệu, dân số già hóa… khiến số người mắc bệnh thận tăng. Trong khi đó, BV tuyến tỉnh vừa quá tải, vừa thiếu vật tư y tế… nên những ca nặng, vượt quá năng lực buộc phải chuyển lên tuyến trên.

BS CKII Vũ Thị Minh Hoa, Trưởng khoa Thận - Lọc máu BV Nguyễn Tri Phương, cho biết khoa đang điều trị khoảng 320 bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ. Ngoài ra, mỗi ngày khoa chạy thận cho khoảng ba ca cấp cứu, hỗ trợ chạy thận chừng 15 ca rải rác ở các khoa khác.

“Bệnh nhân chạy thận tại khoa đông, tăng nhiều so với trước đây. Số bệnh nhân điều trị ngoại trú, tái khám định kỳ hằng tháng khoảng 900 lượt. Trong đó, lượt bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn 3 trở đi chiếm gần 70%. Đến giai đoạn 5, bệnh nhân sẽ phải lọc máu. Vì thế trong tương lai, số lượt lọc máu sẽ tiếp tục tăng” - BS Hoa nhận định.

47 là số đơn vị cơ sở y tế triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại TP.HCM (39 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế, 8 đơn vị trực thuộc bộ, ngành).

Ngoài áp lực bệnh nhân tăng theo thời gian, tình trạng quá tải còn đến từ việc thiếu nhân lực phục vụ khám chữa bệnh. Sau dịch COVID-19, nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, những người còn lại phải gồng gánh, làm thêm giờ, có khi không được nghỉ đủ ngày phép…

“BV đang ưu tiên chạy thận định kỳ cho những ca có BHYT tại BV Nguyễn Tri Phương. Số còn lại được hướng dẫn đến các cơ sở khác để điều trị. Nguyên tắc là vậy nhưng nếu bệnh nhân đến BV trong tình trạng nặng, dù có đang quá tải cũng không thể từ chối” - BS Hoa chia sẻ thêm.

Chạy thận xuyên đêm

Theo BS Nguyễn Bách, bệnh nhân chạy thận đông nên BV phải kê thêm giường ngoài hành lang, không nằm ghép. Hiện BV có 45 máy lọc thận và năm máy dự phòng, gần đây năm máy này cũng thường xuyên được dùng.

“Khoa Nội thận - Lọc máu có hai trung tâm chạy thận cho bệnh nhân BHYT và bệnh nhân dịch vụ, gồng gánh cho nhau những lúc quá tải. Mỗi ngày khoa chạy cố định ba ca nhưng thường xuyên thêm ca tối, thậm chí xuyên đêm dù ca này chỉ dành cho bệnh nhân cấp cứu” - BS Bách chia sẻ.

Còn tại BV Nguyễn Tri Phương, BS Vũ Thị Minh Hoa cho hay nơi đây có 56 máy chạy thận và hai máy dự phòng ở khu cách ly. Khu chạy thận thường bốn ca/ngày (cả ca đêm), khu dịch vụ trung bình sẽ chạy hai ca và khu dịch vụ cao cấp hơn sẽ chạy ba ca/ngày. Hiện số bệnh nhân chạy thận tại BV đã lấp đầy các ca.

“Nếu bệnh nhân tiếp tục tăng, khả năng BV sẽ phải mở thêm ca 3 và 4 ở hai khu dịch vụ. Bệnh nhân BHYT khi chạy thận ở những khu này phải đóng thêm chi phí chênh lệch. Tuy nhiên, nếu không đủ nhân sự để mở thêm tua trực thì cũng khó có thể tăng cường thêm ca như trên” - BS Hoa trăn trở.

Hiện số người mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp đang tăng kéo theo thói quen sử dụng thuốc bừa bãi, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về thận. Những người đã mắc các bệnh lý về thận như viêm cầu thận, hội chứng thận hư… nếu chữa trị không tốt cũng làm tăng nguy cơ suy thận.

Mỗi năm người dân nên đi khám sức khỏe một lần để phát hiện sớm nguy cơ mắc các bệnh lý về thận. Không được tự ý dùng thuốc nếu không có đơn của bác sĩ. Người có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường nên tầm soát thêm bệnh thận để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ suy thận nặng, phải chạy thận.

TS-BS NGUYỄN BÁCH, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu BV Thống Nhất

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm