Ngày 18-10, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Cần Giờ (TP.HCM) chính thức vận hành đơn vị chạy thận nhân tạo với sự hỗ trợ của Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh.
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho biết nhiều năm qua huyện Cần Giờ, nhất là xã Đảo Thạnh An luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP.HCM về nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề về chăm sóc sức khỏe người dân.Tuy vậy, nơi đây vẫn còn những hạn chế nhất định về nguồn lực y tế.
“Thấu hiểu sự khó khăn của người bệnh nơi đây phải lặn lội lên TP chạy thận, chúng tôi đã thành lập đơn vị chạy thận nhân tạo vệ tinh của BV Lê Văn Thịnh tại TTYT huyện Cần Giờ”. Đây cũng là một trong những nội dung mà Sở Y tế triển khai nhằm nâng cao năng lực y tế của huyện này” - Giám đốc BV chia sẻ.
Theo BS Khanh, thời gian đầu các BS và điều dưỡng của BV Lê Văn Thịnh sẽ luân phiên thực hiện các kỹ thuật chạy thận tại TTYT huyện Cần Giờ. Dự kiến đến năm 2025 sẽ chuyển giao các kỹ thuật này cho TTYT. Hy vọng tương lai gần TTYT huyện sẽ tiếp nhận chuyển giao và làm chủ kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân nơi đây.
“Các BS, điều dưỡng của BV Lê Văn Thịnh luân phiên về Cần Giờ sẽ được hưởng chính sách đãi ngộ từ TP.HCM với đề xuất của Sở Y tế, điều này góp phần đáng kể để động viên nhân viên y tế an tâm công tác tại đây. Bệnh nhân cũng được hưởng mọi quyền lợi từ chính sách khám chữa bệnh BHYT ngay tại huyện nhà với chất lượng cao, an toàn” - BS Khanh nói.
Theo BS Khanh, hiện toàn huyện có 41 bệnh nhân được chỉ định phải chạy thận nhân tạo. Tuy vậy, hệ thống máy chạy thận hiện mới chỉ có 5 máy, đáp ứng cơ bản cho 16 bệnh nhân đăng ký chạy thận ban đầu. Để đáp ứng tất cả 41 bệnh nhân chạy thận về lâu dài phải cần từ 10-12 hệ thống máy chạy thận.
Bệnh nhân Trần Thị Nhã Phương (32 tuổi, ngụ xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) bày tỏ niềm vui mừng khi ngày đầu được chạy thận ngay tại địa phương mà không cần phải lặn lội lên BV huyện Nhà Bè chạy thận như một năm qua.
Chị Phương kể: Chị phát bệnh về thận bốn năm trước, mới chạy thận năm ngoái. Mỗi tuần 3 lần, chị tự đi xe máy lên BV chạy thận, khi nào sức khỏe yếu thì đi xe buýt. Chồng chị phải ở nhà đi làm và đưa đón con đi học.
“8 giờ sáng tôi bắt đầu đi thì khoảng 10 rưỡi mới được chạy thận, chạy tới 2 giờ chiều. Mỗi lần chạy thận xong tôi thấy rất mệt, lùng bùng lỗ tai. Đi lại xa xôi như vậy rất khó khăn vất vả. Giờ đây ở TTYT huyện Cần Giờ mở đơn vị chạy thận, tôi vui lắm. Mỗi khi chạy thận tôi chỉ cần đi xe buýt từ xã An Thới Đông lên đây, gần và rất tiện lợi” - chị Phương bày tỏ.
Người bệnh thoát cảnh lặn lội lên thành phố chạy thận
Hoan nghênh BV Lê Văn Thịnh đã hỗ trợ TTYT huyện Cần Giờ thành lập đơn vị thận nhân tạo. Điều này giúp bệnh nhân suy thận được tiếp cận dịch vụ y tế tiên tiến ngay tại địa phương mà không cần lặn lội lên TP chạy thận như trước đây. Chắc chắn người bệnh rất vui mừng vì thoát được cảnh lên TP xa xôi thuê trọ để ở nhằm chạy thận tại các BV lớn.
Sắp tới Sở Y tế TP.HCM sẽ bàn bạc về việc tái lập BV huyện Cần Giờ. Sở sẽ sớm trình kế hoạch này lên UBND TP và hy vọng đề án sớm thành hiện thực. Giai đoạn đầu sẽ kêu gọi BS của các BV trong TP xung phong xuống Cần Giờ để công tác. Mong huyện Cần Giờ có các kế hoạch, cơ chế thu hút BS công tác lâu dài tại đây.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.