1.126 người tử vong do nhiễm HIV/AIDS trong 9 tháng đầu năm

(PLO)- Trong tổng số hơn 10 nghìn ca nhiễm HIV/AIDS phát hiện mới trong 9 tháng đầu năm 2023 tại Việt Nam, có 1.126 người tử vong.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại buổi họp mặt với báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1-12, ThS Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, cho biết tỉ lệ người nhiễm HIV trong độ tuổi 16-29 có xu hướng gia tăng, chiếm gần 50% tổng số ca nhiễm năm 2023.

Nhóm đối tượng nhiễm HIV phát hiện mới chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (49%), vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV (31%). Đường lây truyền chủ yếu là lây qua đường tình dục, lây qua đường máu có xu hướng giảm.

Đối tượng nhiễm HIV là nam giới tiếp tục tăng, chiếm 84.5% tổng số ca.

Hơn 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP.HCM. Khu vực ghi nhận số người nhiễm thấp nhất là Bắc Trung Bộ (4%) và Hà Nội (5%).

ThS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, cho biết: “Đã có thời điểm tưởng chừng như công tác phòng, chống HIV đã đến đích, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tình hình dịch có diễn biến phức tạp, nhất là trong các nhóm trẻ. Dù nhận được nhiều sự quan tâm, nhưng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch có sự suy giảm, dẫn nhiều nhiều hoạt động gặp khó khăn”.

phong-chong-hiv.JPG
ThS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế. Ảnh: TT

Cũng tại buổi họp báo, TS Eric Dzuiban, Giám đốc quốc gia, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định chủ đề năm nay của Việt Nam là “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” nêu rất rõ nhu cầu hiện nay trong công cuộc ứng phó với HIV ở Việt Nam và trên thế giới, đó là “hãy để cộng đồng dẫn lối”.

Theo ông Eric Dzuiban, kể từ khi ca HIV đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam năm 1990 cho đến khi lần đầu tiên người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng virus năm 1997, đã có nhiều tiến bộ khoa học về HIV.

“HIV từng coi là bản án tử hình, nhưng giờ đây đã có thể coi là một bệnh mãn tính, cho phép người nhiễm có thể sống trọn vẹn, hạnh phúc nếu tham gia điều trị an toàn”, đại diện CDC Hoa Kỳ cho biết.

Trong năm 2023, hơn 2 triệu người đã được xét nghiệm HIV. Hơn 1300 cơ sở y tế triển khai xét nghiệm sàng lọc, hình thức xét nghiệm dựa vào cộng đồng diễn ra tại 33 tỉnh.

Đặc biệt, quyết định của Bộ Y tế về việc phê duyệt “Đề án duy trì và mở rộng cấp thuốc Methadone nhiều ngày” cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện đã giúp cho hơn 50 nghìn bệnh nhân nhiễm HIV hiện được điều trị bằng thuốc Methadone thường xuyên, hiệu quả. Cùng với đó là nhiều kết quả khác trong công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS.

Tuy vậy, theo ThS Bùi Hoàng Đức, dựa theo phân loại của WHO, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch HIV tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như nam quan tình dục hệ đồng giới, nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm.

“Dịch HIV tại Việt Nam có nguy cơ gia tăng do người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa. Tỉ lệ nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục tăng, hành vi của các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao ngày càng phức tạp khả năng tiếp cận triển khai can thiệp gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vẫn còn kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”, ông Bùi Hoàng Đức nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm