Đại biểu Quốc hội bàn chuyện 'từ chối tiếp công dân': Khó hay dễ?

Ngày 4-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tiếp tục giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021 đối với Thanh tra TP và Ban Tiếp công dân TP. 

Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu, đơn vị bày tỏ quan tâm đến các trường hợp được từ chối tiếp công dân.

Tiếp dân đến 13 giờ vẫn không cho cán bộ về

Ban Tiếp công dân TP.HCM cho biết trong thời gian nêu trên, Ban đã tiếp thường xuyên hơn 9.000 lượt công dân; tiếp 807 lượt đoàn người khiếu nại, tố cáo cùng một nội dung; riêng lãnh đạo TP tiếp định kì 64 ngày.

giam-sat-tiep-cong-dan

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó Chánh Văn phòng UBND TP, Trưởng ban Tiếp công dân TP.HCM, báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Ban Tiếp công dân TP cũng nhận 44.300 đơn thư với 22.900 đơn đủ điều kiện xử lý.

Đối với việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan các dự án như Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức; dự án khu nhà ở và văn phòng làm việc tại số 1Bis-1Kép Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1; dự án đầu tư xây dựng Thảo cầm viên mới Sài Gòn, huyện Củ Chi… vẫn còn phức tạp; thường xuyên yêu cầu gặp lãnh đạo TP.

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó Chánh Văn phòng UBND TP, Trưởng ban Tiếp công dân TP.HCM, cho biết trong quá trình tiếp dân có nhiều vấn đề phát sinh khiến cán bộ "hy sinh rất nhiều về tinh thần".

Ông Cường kể có một lần ông tiếp 10 người ngồi bên trong văn phòng thì bên ngoài có 284 người đang "vây’" khiến ông tiếp đến 13 giờ vẫn không cho ông về, đòi khi nào giải quyết xong mới cho về.

“Người dân vào khó chịu lắm, ngay lập tức hỏi đơn của tôi đồng chí Chủ tịch TP đã xem chưa?” – ông kể và cho biết hiện nay không có cơ chế đảm bảo sức khỏe, tính mạng của cán bộ tiếp dân; chỉ sợ người dân khi quá bức xúc thì sẽ có hành động không trở tay kịp.

Đối với việc có thể từ chối tiếp dân hay không thì ông Cường cho rằng rất khó, không tiếp không được vì tất cả người dân lên đây dù đã được giải quyết hay chưa giải quyết thì đang trong tâm thế bức xúc; nếu không được tiếp họ có thể làm mất an ninh trật tự. “Chỉ có những người say rượu, có hành vi vượt quá quy định, quá đáng lắm mới phải để công an mời về làm việc” – ông Cường khẳng định.

Theo ông Cường, cán bộ tiếp công dân cố gắng ai tới cũng tiếp đón với thái độ để bà con thoải mái. “Có thể chưa giải quyết được nhưng khi đi về người ta cũng thấy tinh thần, thái độ của cán bộ khiến họ được an ủi” – ông Cường nói.

"Phải thương người dân vì có nhiều hoàn cảnh bức xúc"

Đồng cảm với những tình huống mà cán bộ tiếp dân gặp phải, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho hay có trường hợp người dân "canh" tất cả ngày mà Đoàn ĐBQH tiếp dân đến để yêu cầu tiếp dù không đăng kí.

Trong khi đó vụ việc của trường hợp này đã được TP trả lời nhiều lần rồi; thậm chí cán bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH TP cũng bị giật áo, tạo cảm giác không an toàn cho cán bộ tiếp dân.

giam-sat-tiep-cong-dan

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, trao đổi tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Hay có lần ĐB Tuyết vừa tiếp xong một người phụ nữ, khi ra về rất vui vẻ, còn được tặng lịch. Tuy nhiên khi ra khỏi phòng thì người này đứng giữa trụ sở la khóc, gào thét.

Theo ĐB Tuyết, những "ca khó" như vậy chỉ cần từ chối tiếp sẽ bị gửi đơn tố cáo, có thể bị cho rằng là không đảm bảo nhân quyền. Bà cũng cho rằng cần có quy định đảm bảo an toàn cho cán bộ tiếp dân nhưng không phản cảm.

ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, đề nghị các sở, ngành có liên quan gửi văn bản kiến nghị bổ sung, sửa đổi pháp luật liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi đến Đoàn ĐBQH TP.

giam-sat-tiep-cong-dan

ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, trao đổi tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

ĐB Nghĩa kể, ông có dịp mua một cuốn sách, trong đó có nội dung về đơn từ khiếu nại của người dân gửi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trước năm 1975.

“Trong đó, Đại sứ Mỹ đã trả lời tất cả đơn phản ánh, khiếu nại như vụ pháo bắn chết trâu, sập nhà, một trung tướng mướn nhà không trả tiền, hay thậm chí một cậu bé chăn trâu xin một cái đài để nghe vẫn được trả lời, trường hợp nào không được thì nói không được” – ĐB Nghĩa kể và cho rằng tâm lý người dân khi gửi đơn là mong muốn được trả lời; có cách trả lời khiến người dân hài lòng nhưng cũng có cách trả lời khiến người dân ấm ức.

Ông cũng đặt vấn đề an toàn cho người tiếp dân, có quy định về những hành vi không được phép khi vào tiếp dân phù hợp với văn hoá xã hội và văn hoá nơi công quyền nhưng không hạn chế quyền của công dân.

“Một mặt, chúng ta nói chuyện người dân quá khích, chúng ta giải quyết rồi vẫn cứ đeo mãi nhưng một mặt phải thương người dân vì có nhiều hoàn cảnh khiến họ bức xúc do mình làm không tốt” – ĐB Nghĩa chia sẻ.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng nên có quy chế đặc biệt trong việc tiếp dân với TP đông dân, khối lượng công việc nhiều. Chẳng hạn cho phép Chủ tịch UBND TP uỷ quyền cho Phó Chủ tịch UBND TP tiếp dân… Thậm chí sắp tới đây có thể nghiên cứu tiếp dân qua màn hình, nhất là vì COVID-19.

Trường hợp nào từ chối tiếp công dân?

Liên quan đến quy định từ chối tiếp công dân, bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM, khẳng định có các trường hợp được từ chối tiếp công dân.

Chẳng hạn như người dân trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần, tâm lý, người có hành vi đe doạ, xúc phạm cá nhân, đơn vị, xúc phạm người tiếp dân, người thi hành công vụ.

Hay những trường hợp người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo và được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo, kéo dài…

Áp dụng quy định này, Thanh tra TP đã tìm cách giải thích cho người dân hiểu, một số trường hợp được người dân đồng thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm