'Dự án úp úp mở mở, lợi ích nhóm sẽ xảy ra khiếu kiện'

Chiều 3-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tiếp tục giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021 đối với Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM.

Giải quyết có lý, có tình vẫn khiếu nại kéo dài

Theo Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, cơ quan đã tiếp nhận 3.432 đơn khiếu nại, tố cáo (đã giải quyết 2.995 đơn); các chi nhánh tiếp nhận hơn 3.000 đơn (đã giải quyết 2.992 đơn, còn lại do nội dung có sự phối hợp giữa các ngành).

Theo lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai TP, hiện số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đất đai rất lớn, trung bình trên 600.000 hồ sơ/năm, chưa kể việc cung cấp thông tin đất đai, bản đồ, thống kê, kiểm kê đất đai. Các hồ sơ này mang giá trị cao và là tài sản quan trọng của người sử dụng đất, hồ sơ lưu trữ liên quan đến đất đai đều có thời hạn vĩnh viễn nhưng trụ sở làm việc, kho lưu trữ hạn chế.

ĐB Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: LÊ THOA

Còn lãnh đạo Sở TN&MT TP thông tin số đơn khiếu nại, tố cáo là 2.904 đơn, tăng 78,8% so với giai đoạn 2010-2015 (1.624 đơn); chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai như cấp giấy chứng nhận, thu hồi đất, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Còn Sở Xây dựng cho biết trong 159/267 đơn khiếu nại đã được giải quyết chỉ có hai khiếu nại đúng, 154 khiếu nại sai, còn lại là đúng một phần; trong 35 tố cáo thì chỉ có ba tố cáo đúng, 29 tố cáo sai, còn lại là tố cáo có đúng, có sai.

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, chia sẻ khó khăn trong giải quyết đơn thư là nhiều hồ sơ nhà đất phức tạp, có quá trình quản lý và sử dụng qua nhiều thời kỳ; nhiều đơn khiếu nại nhà đất đối với quyết định cũ, có trường hợp bẵng đi mấy chục năm còn đòi lại nhà khiến công tác thẩm tra, xác minh rất mất thời gian.

Có đơn thư Chủ tịch nước đã trả lời
nhưng người dân vẫn khiếu nại

Có vụ đã giải quyết đến mức cao nhất, đến Chủ tịch nước, Chủ tịch QH đã trả lời, luật pháp nước ta chỉ giải quyết tới đây là hết nhưng người dân lại muốn tôi chuyển đơn lần nữa, nếu tôi từ chối thì có sai luật không, hay cứ để sang nhiệm kỳ mới lại chuyển đơn lần nữa.

ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨAPhó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, phát biểu vào sáng cùng ngày khi cùng Đoàn ĐBQH TP.HCM giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại công an, tòa án, VKS, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM 

“Úp úp mở mở” thì mới khiếu nại, tố cáo

ĐB Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP, cho hay hiện nay 80% đơn thư khiếu nại, tố cáo là liên quan đến đất đai và TN&MT, trong đó có 75% là khiếu nại, tố cáo có phần đúng.

Theo ông Quang, cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo. “Không có ai cảm thấy quyền lợi của mình bị thiệt hại mà lên đối thoại mấy câu là họ đồng tình rồi đi về cả” - ĐB Quang nói và nhìn nhận nguyên nhân đầu tiên là thể chế, chính sách có nhiều bất cập, chủ trương của Đảng nói thu hồi đất là phải bồi thường bằng hoặc nhiều hơn giá thị trường nhưng quy định của chúng ta hiện nay chưa được như thế.

ĐB Quang cũng cho là có cán bộ quan liêu… dẫn đến người dân thiệt hại.

Đáng chú ý, việc công khai, minh bạch để người dân hiểu được chính sách, việc thu hồi đất, công tác đối thoại cũng còn hạn chế.

Từ đó, ĐB Nguyễn Sỹ Quang đề nghị các cơ quan nghiên cứu kỹ thể chế, quy định nào chưa hợp lý thì các cơ quan cần nêu rõ để Đoàn ĐBQH TP tập hợp kiến nghị, việc tuyên truyền phải khác đi, không áp đặt, thông báo một chiều mà không có đối thoại.

“Nếu dự án được thông báo rõ ràng, công khai, minh bạch, giá cả sát thị trường, đối thoại, giải quyết thì đâu có khiếu kiện; ngược lại nếu “úp úp mở mở”, lợi ích nhóm thì xảy ra khiếu kiện” - ĐB Quang nói và đề nghị tăng cường đối thoại với người dân, có thể nhiều bên chứ không chỉ sở, ngành tiếp dân.

Đặc biệt, số trường hợp đã giải quyết chính đáng, rất hợp tình, hợp lý mà vẫn cố tình khiếu nại thì phải xử lý nghiêm khắc, không để lợi dụng gây nhiễu loạn trật tự xã hội.

Về khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến chung cư, ĐB Quang nhìn nhận có rất nhiều việc phức tạp, rất khó xử lý. Ông dẫn chứng có vụ chủ đầu tư đã đi mất, người dân mua nhà chưa đủ pháp lý khiến chính quyền phải “ôm”, mà việc này cần phải có sự tham gia của nhiều ngành, sự chỉ đạo của lãnh đạo TP…

Phát biểu kết luận, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, đề nghị các cơ quan hạn chế việc để khiếu nại lần hai hay phải sửa, thu hồi quyết định khiếu nại lần một. ĐB Tuyết nhìn nhận nhiều năm, phần mềm quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo chung cho các sở, ngành của TP vẫn chưa hoàn thiện, mà thực hiện theo phần mềm của trung ương thì còn khó khăn. Bà đề nghị các cơ quan cần nghiên cứu, kiến nghị cụ thể hơn.

Theo ĐB Tuyết, trong thời gian chờ kiến nghị để sửa quy định thì cần giúp cho việc khiếu nại, tố cáo hạn chế xảy ra; chẳng hạn dự án nào đảm bảo mọi pháp lý thì nên công bố để người dân mua, còn dự án nào chưa có thì nên có khuyến cáo cho bà con cẩn thận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm