Đại biểu Quốc hội cảnh báo tình trạng có tiền không tiêu được

ĐB Hoàng Quang Hàm khi thảo luận tại Quốc hội sáng 30-10 đưa ra ba nhận xét về kinh tế - xã hội Việt Nam.

Đầu tiên là việc kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa hóa rồng, hóa hổ.

ĐB Hoàng Quang Hàm là một trong số các đại biểu cảnh báo về nguy cơ tụt hậu của Việt Nam trong thảo luận sáng nay

ĐB Hàm nêu cách đây hơn 30 năm Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000.

“Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000, gấp đôi và khoảng cách vẫn tăng qua các năm. Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác dù bước chậm nhưng lại đi được những bước dài hơn”, ĐB Hàm nói.

Vẫn theo ĐB Hàm, 30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… hóa rồng, hóa hổ nhưng 30 năm qua, Việt Nam tăng trưởng nhanh mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

“Số liệu cho thấy chúng ta đang tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế”, ĐB Hàm nhận định.

Đánh giá các giải pháp của Chính phủ là đầy đủ và ĐB Hàm đề nghị nâng cao trình độ lao động, ứng dụng công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

“Đổi mới sáng tạo phải chấp nhận rủi ro vì theo thống kê chỉ có khoảng 6% ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thành công còn 94% là thất bại nhưng nếu thành công thì mang lại lợi ích và giá trị gia tăng rất lớn”, ĐB Hàm nói và đề nghị cần phải có đột phá trong các vấn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu.

Sau khi đề cập đến độ vênh của kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng đời sống nhân dân chưa được nâng cao tương xứng, ĐB Hàm đề nghị Quốc hội giao thêm chỉ tiêu GNI (thu nhập quốc dân) để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế, thu nhập của người dân.

Về giải ngân vốn đầu tư công chậm, ĐB Hàm gọi là tình trạng “có tiền không tiêu được” và tình trạng này gia tăng qua các năm. Đồng tình với các nguyên nhân Chính phủ nêu, ĐB Hàm nói cần phải khắc phục yếu kém trong công tác lập, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trước tiên.

“Nhiều công trình thiếu vốn trong khi nhiều công trình không giải ngân hết kế hoạch vốn cho thấy lập kế hoạch không sát, không theo dõi, tổng hợp sát sao để điều chỉnh vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu. Đặc biệt lãng phí khi vốn ODA không giải ngân được, không dùng nhưng vẫn phải trả phí cam kết”, ĐB Hàm nói.

Theo ĐB Hàm, công tác dự báo, công tác lập, giao kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư cần được cải thiện để để khắc phục giải ngân vốn chậm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm