Sáng 30-10, Quốc hội bắt đầu những buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội dựa trên báo cáo của Chính phủ trình bày hôm khai mạc. ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đăng đàn và có những nhận xét đáng suy nghĩ.
ĐB Vũ Tiến Lộc nói chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không đem lại lợi ích cho Việt Nam như nhiều chuyên gia dự báo
Sau khi điểm qua những thành quả mà nền kinh tế đạt được, ông Lộc cho rằng tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo chưa thể yên tâm. Lý do, việc duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc, có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu.
“Mức tăng trưởng 6,8% của một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài như nước ta liệu có khả thi?”, ông Lộc đặt vấn đề và đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động ứng phó với tình huống này.
Lấy ngành chế biến – chế tạo làm ví dụ, ông Lộc nhận định về tính bền vững của ngành này rằng đằng sau mức tăng sản lượng ấn tượng 11,37%, thì chỉ số hàng tồn kho của ngành này tại thời điểm 30-9 cũng đạt mức kỷ lục là 17,2%, cao hơn nhiều so với mức 13,8% cùng kỳ năm 2018 và 8,8% của năm 2017.
Nhắc đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ông Lộc nói rất nhiều chuyên gia dự báo rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu.
“Nhưng thực tế lại không chứng minh điều đó, mà ngược lại, “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. Chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu của chúng ta chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng khoảng 1/3 của mức tăng trên 20% của những năm trước nữa”, ông Lộc dẫn chứng.
Theo ông, chuyển dịch xuất khẩu sang các thị trường hàng đầu của Việt Nam EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc. Xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chưa đựng rất nhiều rủi ro về gian lận thương mại, về thâm nhập thương mại .
“Chín tháng đầu năm, ta xuất khẩu sang Mỹ gần 45 tỉ USD, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái và Việt Nam trở thành một trong sáu quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ. Trong khi hầu hết các quốc gia này đều bị Hoa Kỳ trừng phạt thì ai có thể bảo đảm rằng chúng ta là ngoại lệ?”, ông Lộc băn khoăn và nói khả năng duy trì xuất khẩu vào Mỹ là khá mong manh.
Về đầu tư nước ngoài cũng chưa có những điểm sáng, có dấu hiệu thiếu bền vững và cân bằng.
Sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp chưa như kỳ vọng khi nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp đã không đạt kế hoạch vì cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
“Vì vậy, sự đồng cam cộng khổ của cả hệ thống chính trị, của cả người lao động với doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh là rất quan trọng”, ông Lộc nói. Ông Lộc chỉ ra mâu thuẫn giữa lạm phát thấp nhưng lãi suất lại rất cao, các chi phí kinh doanh ngày càng lớn. Dù môi trường kinh doanh Việt Nam vừa được World Bank đánh giá cao nhưng các nền kinh tế khác cũng đang thay đổi nhanh hơn, cạnh tranh mạnh hơn.
“Nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau”, ông Lộc cảnh báo.