Đại biểu Quốc hội: Chất lượng phải là tiêu chí hàng đầu

Ngày 15-5, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh sửa một số góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH. Ủy ban Pháp luật (UBPL) đã chỉnh lý dự luật theo hướng nâng tỉ lệ đại biểu (ĐB) QH hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40%.

Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Phúc (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ủy viên Đoàn thư ký kỳ họp QH, cho hay là ủng hộ tỉ lệ này. Ông cũng nói về đề xuất dành tỉ lệ 5%  ĐBQH là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.

Thay đổi cơ cấu, chú trọng chất lượng đại biểu

. Phóng viên: Việc nâng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách đã được đề cập khá nhiều lần và đến nay chúng ta cũng chưa đạt được tỉ lệ 35% như luật quy định?

+ Ông Nguyễn Văn Phúc: Tăng ĐBQH chuyên trách nhưng vẫn giữ cơ cấu như hiện nay thì hơi khó. Hiện cơ cấu ĐB kiêm nhiệm từ khối hành pháp, tư pháp, lực lượng vũ trang, ban, ngành, đoàn thể… trong QH hiện đang chiếm đa số. Bởi vậy, tôi cho rằng phải tính đến cơ cấu trước khi nói đến việc nâng cao ĐBQH chuyên trách.

Một cơ cấu như hiện nay sẽ rất khó tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách. Giải quyết vấn đề cơ cấu mới là nền tảng để tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách và có thể đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của QH.

. Ngoài cơ cấu, ông có cho rằng chất lượng ĐBQH cũng là vấn đề đáng chú ý không?

+ Chất lượng phải trở thành tiêu chí hàng đầu dành cho ĐBQH. Cử tri đánh giá ĐBQH trên hai bình diện. Một là bình diện chính khách, tức là ĐBQH phải tham gia vào thảo luận và quyết định chính sách, thông qua các đạo luật, làm việc và lắng nghe ý kiến cử tri. Bình diện thứ hai là về trình độ chuyên môn hay tư chất chuyên gia. Mỗi phát biểu của ĐBQH trên nghị trường tác động rất lớn đến cộng đồng, xã hội.

ĐBQH hay nghị sĩ ở các nước thì thông qua tranh cử họ thể hiện được tư chất chính khách và chuyên gia của mình. Ở ta, ĐBQH chuyên trách cũng cần phải có những phẩm chất này. Khi chất lượng của từng ĐBQH được tăng lên thì đương nhiên chất lượng hoạt động của QH cũng tăng lên.

. Với ý kiến đề xuất dành 5% tỉ lệ ĐBQH cho chuyên gia, các nhà khoa học, những cán bộ quản lý sắp hoặc đã về hưu nhưng thực tế là đang có rào cản về độ tuổi, thưa ông?

+ Nghị sĩ ở hầu hết các nước là nghị sĩ chuyên nghiệp và chỉ bị hạn chế độ tuổi tối thiểu để được bầu vào QH. Thực tế có nhiều nghị sĩ ở các nước làm việc đến 70, 80 tuổi. Ở ta, ĐBQH chuyên trách cũng bị giới hạn về tuổi tác. Trong khi đó, thực tế hiện nay một số ngành nghề đã nâng tuổi công tác lên, như thẩm phán TAND Tối cao, kiểm sát viên VKSND Tối cao làm việc tới 65 tuổi.

Có một số ngành, lĩnh vực hoạt động cần sự “chín” về trình độ, về kinh nghiệm và bản lĩnh để đủ phẩm chất tham gia quyết định và giám sát những vấn đề lớn. Tôi nghĩ cần phải minh định thêm một số vấn đề, trong đó có vấn đề tuổi tác.

Các đại biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ảnh: QH

Cần chế độ riêng cho đại biểu chuyên trách

. Theo ông, trong lần sửa Luật Tổ chức QH lần này nên quy định thế nào với đại biểu chuyên trách?

+ Trước hết, ĐBQH chuyên trách cần phải được xác định là một chức danh riêng, không nằm trong biên chế, không phải là công chức nhà nước. ĐBQH chuyên trách có thể hưởng một chế độ làm việc, tiền lương và phụ cấp riêng. Nếu sửa Luật Tổ chức QH lần này mà chế định được những điều nói trên thì có thể ngay cả vấn đề tỉ lệ ĐBQH chuyên trách cũng không quá khó để giải quyết.

Một người có thể trên 60 tuổi mới bắt đầu vào QH theo diện tự ứng cử hay được MTTQ giới thiệu… khi trúng cử có thể làm ĐBQH chuyên trách ở các cơ quan của QH và đoàn ĐBQH nếu không bị giới hạn tuổi tác. Những ĐB như vậy không nằm trong biên chế nhà nước nữa vì đã nghỉ hưu và khi làm ĐBQH thì hưởng phụ cấp của QH.

. Vậy thì phải đặt ra vấn đề về hình thức hoạt động hay tính chất hoạt động của những ĐBQH này?

+ Đối với những ĐBQH này, như đề xuất là dành cho tỉ lệ “cứng” 5% thì phải xác định được đúng vị trí, có thể coi đây là các ĐBQH hoạt động độc lập, vì họ không còn thuộc biên chế một cơ quan, tổ chức nào. Họ cũng tương tự như các ĐB tự ứng cử nhưng có chế độ làm việc như là ĐBQH chuyên trách.

Trước đây, đã từng có một vị bộ trưởng sau khi thôi chức vẫn được giới thiệu và trúng cử ĐBQH. Vị đó đi họp QH, tham gia các cuộc họp của các ủy ban của QH rất chuyên cần, hoạt động độc lập, có nhiều đóng góp về chuyên môn. Những ĐBQH hoạt động độc lập như vậy sẽ dễ có tiếng nói khách quan trong QH.

. Việc có 5% tỉ lệ ĐBQH là chuyên gia, nhà khoa học có lợi gì?

+ Thật ra chúng ta có thể so sánh, tuy chưa hoàn toàn chính xác, những ĐBQH này như là thành viên độc lập trong hội đồng quản trị của một công ty theo Luật Doanh nghiệp. Nếu đồng ý có 5% ấy để cơ cấu các ĐBQH có trình độ chuyên gia thì đó là những ĐBQH dạng như vậy. Những ĐBQH hoạt động độc lập như vậy thì càng tăng tính khách quan cho hoạt động của QH.

. Theo tính chất cơ cấu - đại diện của QH hiện nay, ta có thể hiểu đó là những ĐBQH đại diện cho một nhóm cử tri được không?

+ Không được, vì hiến pháp và luật quy định ĐBQH là đại diện cho cử tri nơi bầu ra mình và cử tri cả nước. Cái chúng ta cần bây giờ là một cơ chế để giới thiệu những người như vậy và có thể mở rộng khái niệm “ĐBQH chuyên trách”.

ĐBQH chuyên trách có thể bao gồm các ĐBQH đang ở biên chế các cơ quan QH, đoàn ĐBQH và những ĐBQH hoạt động độc lập như nói trên; hoặc là ĐBQH chuyên trách còn bao gồm ĐBQH không đương chức, hoạt động độc lập. Đây là một cách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học… làm việc cho QH với vai trò là ĐB.

Nên có quy định tỉ lệ đại biểu ngoài Đảng

. Nếu nói như vậy thì những ĐBQH chuyên trách hoạt động độc lập này có thể và nên là ĐBQH ngoài Đảng, điều mà QH luôn nỗ lực đạt được?

+ Tôi cho rằng đây cũng là điều đáng chú ý. Tôi đề nghị trong luật lần này phải quy định một tỉ lệ tối thiểu ĐBQH ngoài Đảng. Bởi thực tế tỉ lệ ĐBQH ngoài Đảng hiện cũng chưa đạt yêu cầu, chưa hợp lý, chưa kể sau một thời gian có những ĐBQH ngoài Đảng lại được kết nạp vào Đảng.

Chúng ta đều biết sinh thời, Bác Hồ đã giới thiệu cả những trí thức lớn ngoài Đảng làm ĐBQH và giữ các chức vụ cao trong Chính phủ. Thậm chí năm 1960, khi các cơ quan liên quan đề nghị kết nạp Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên vào Đảng, Bác Hồ đã góp ý rằng: “Để chú Huyên ở ngoài Đảng có lợi hơn là ở trong Đảng”.

Nếu luật quy định tỉ lệ cụ thể và có được những ĐBQH ngoài Đảng, đồng thời là ĐB chuyên trách, hoạt động độc lập thì dân chủ trong QH được mở rộng hơn, trách nhiệm giải trình sẽ được chú trọng hơn, tạo được sự đồng thuận cao hơn trong QH và cử tri.

. Xin cám ơn ông.

Đổi mới cơ cấu Quốc hội là quan trọng

Xung quanh đề xuất tỉ lệ 5% đại biểu là chuyên gia trong Quốc hội (QH), nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc, có lộ trình và phải thay đổi phương thức hoạt động của cả đại biểu (ĐB).

Phải đổi mới phương thức hoạt động

Đại biểu Quốc hội: Chất lượng phải là tiêu chí hàng đầu ảnh 3
 

Cơ cấu ĐBQH như thế nào mới quan trọng. Đổi mới được cơ cấu QH thì mới chọn được ĐBQH theo mong muốn của mình. Tính chất đại diện của QH vì thế cũng khác đi.

QH là hình ảnh thu nhỏ của dân tộc, của đất nước, cơ cấu này có thể dẫn đến tình trạng nhiều người có năng lực, trình độ chuyên môn như là chuyên gia thì khó.

Phải thay đổi tiêu chí, tiêu chuẩn ĐBQH. Nếu như hiện nay ĐBQH chuyên trách phải có hàm từ vụ trưởng trở lên thì rất khó. Người ta có chức vụ thì có thể giỏi quản lý lĩnh vực phụ trách nhưng để làm ĐBQH chuyên trách thì lại là một vấn đề. Điều cần đổi mới để có số lượng ĐB chuyên trách là đổi mới phương thức hoạt động của ĐBQH. Tăng số lượng ĐB chuyên trách thì phải đổi mới phương thức hoạt động để ĐBQH có thể giải quyết vấn đề của cử tri nơi mình được bầu.

Những đề xuất như hiện nay có lẽ là những sự thay đổi theo từng bước một, tùy theo nhận thức và phải có lộ trình.

GS TRẦN NGỌC ĐƯỜNGnguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH

Không nên quy định tỉ lệ cứng

Đại biểu Quốc hội: Chất lượng phải là tiêu chí hàng đầu ảnh 4
 

Đề xuất này không phù hợp vì hiến pháp và Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND nói bầu cử là quyền bầu cử tự do của mọi người. Chúng ta không thể ấn định tỉ lệ vì luật không cho phép. Dĩ nhiên, trong bầu cử chúng ta có công tác hiệp thương. Luật quy định giới thiệu, hiệp thương để thể hiện tinh thần dân chủ.

Kinh nghiệm các nước và thực tế ở Việt Nam hiện nay cũng chọn đại biểu theo quy mô dân số và đơn vị bầu cử.

Mặt khác, một tiêu chí cứng như 5% cho các chuyên gia, nhà khoa học làm ĐBQH thì lại nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Chẳng hạn, ai sẽ là người chọn các chuyên gia? Hay các chuyên gia muốn trở thành ĐBQH thì tiêu chí như thế nào? 5% chuyên gia đó có được giới khoa học lựa chọn hay không, ấy là chưa kể hiện cũng có nhiều “loại” chuyên gia?

Đề xuất này có thể không có nhiều ý nghĩa nếu căn cứ vào Luật Bầu cử và các quy định khác liên quan. Còn việc mong muốn nâng cao chất lượng hoạt động của QH và ĐBQH thì rất chính đáng nhưng lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác.

GS LÊ HỒNG HẠNHHội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật,
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Nên có cơ chế để chuyên gia phát huy năng lực

Đại biểu Quốc hội: Chất lượng phải là tiêu chí hàng đầu ảnh 5
 

Tôi đánh giá rất cao đề xuất này nhưng băn khoăn rằng: Chúng ta sẽ sử dụng cơ chế nào để thu hút những chuyên gia có trình độ, tâm huyết để hội đủ tỉ lệ 5% ĐBQH là chuyên gia? Giả dụ có những ĐB đang là chuyên trách thì cũng có những băn khoăn rất đời thường, họ đang là chủ nhiệm hay là phó chủ nhiệm các ủy ban của QH thì có sẵn sàng làm ĐBQH chuyên trách bình thường không?

Cũng có ý kiến cho rằng điều này có thể không khó khi có những bộ trưởng, thứ trưởng có trình độ, còn nhiệt huyết và mong muốn cống hiến cho công việc chung, nhất là cho QH. Nhưng cũng cần lưu ý rằng: Liệu các vị ấy có mong muốn làm ĐB chuyên trách hay không? Bởi khi sang QH thì phải phản biện, chất vấn lại những gì mà hành pháp, nơi công tác cũ của các vị ấy đang thực hiện. Mà rất nhiều khi có thể đó là những vấn đề mà chính các vị ấy đã từng đề xuất, thay mặt Chính phủ trình ra QH. Các vị ấy có sẵn lòng không?

Thực tế kinh nghiệm từ hiệp thương của MTTQ trước đây, nhiều ứng cử viên trượt ĐBQH chỉ vì tuổi tác đã cao, mặc dù kinh nghiệm, trình độ, uy tín của các vị ấy là những điều đã được thẩm định. Mặt khác, nhiệm kỳ QH kéo dài năm năm thì sức khỏe cũng là một yêu cầu rất cần thiết.

Đương nhiên, chúng ta rất hoan nghênh và ghi nhận những tâm huyết, mong muốn cống hiến của bất kể ai vào công việc chung của QH và đất nước. Đương nhiên, chúng ta không lo ngại việc không còn chỗ cho các vị ấy hoặc nếu có 5% ĐBQH là chuyên gia. Bởi chủ trương của Đảng cần là giảm ĐB thuộc khối hành pháp trong QH.

QH là hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân. Khi có các chuyên gia vào QH thì chất lượng hoạt động của QH sẽ được nâng lên khi các vị ấy toàn tâm toàn ý lo cho nhiệm vụ của ĐB mà không bị nhiều ràng buộc.

Dĩ nhiên, nếu chưa thực hiện được điều này thì chúng ta có thể xem xét một cơ chế chuyên gia cho những người thực sự có tâm huyết, trách nhiệm và mong muốn cống hiến. 

Ông NGUYỄN VĂN PHAPhó Chủ nhiệm Ủy ban  pháp của QH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm