Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 9-6, một số đại biểu Quốc hội cho rằng không nên ban hành bảng giá đất hằng năm vì có thể không thực chất, mất thời gian, gây lãng phí nguồn lực…
Công bố giá đất hằng năm để phù hợp giá thị trường
Sáng 9-6, trình bày tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi Quốc hội thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết dự luật sẽ “tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hằng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường”. Dự luật có bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết ngày 31-12-2025 để các địa phương có đủ thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo luật mới.
Cùng với đó, dự luật cũng quy định UBND cấp có thẩm quyền phải phê duyệt quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), gia hạn SDĐ, chuyển hình thức SDĐ, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu thẩm tra dự thảo luật. Ảnh: TRỌNG PHÚ |
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn trong trường hợp đến hạn mà các địa phương vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng bảng giá đất hằng năm.
“Đề nghị nghiên cứu quy định rõ về nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể và cách xác định “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”; nghiên cứu bổ sung quy định về HĐND cấp tỉnh “quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất” đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW” - ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng cho hay một số ý kiến khác đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định hằng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, trong mỗi năm áp dụng bảng giá và hệ số điều chỉnh, đối với các khu vực có biến động 20% trở lên thì điều chỉnh hệ số điều chỉnh.
Nên hay không ban hành bảng giá đất?
Góp ý tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) ủng hộ phương án không ban hành bảng giá đất hằng năm. “Vấn đề quan trọng là chính quyền địa phương phải có trách nhiệm cập nhật kịp thời các biến động ở những khu vực có biến động lớn; còn lại ở những khu vực không có biến động thì không cần phải lập bảng giá đất này. Vì nếu chính quyền địa phương ban hành chậm sẽ ảnh hưởng đến người dân khi họ có nhu cầu thực hiện các thủ tục có liên quan đến bảng giá đất” - đại biểu Tuyết nói.
Cùng nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Quảng (Đà Nẵng) đề nghị nên quy định thời gian ban hành bảng giá đất 3-5 năm, đồng thời giao cho địa phương hằng năm nếu cần điều chỉnh thì điều chỉnh chứ không bắt buộc.
Làm rõ hơn nội dung về bảng giá đất hằng năm tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho hay: “Việc xác định bảng giá đất hằng năm sẽ dần tiếp cận với giá thị trường. HĐND tỉnh sẽ quyết định giá đất tại địa phương năm nay hay năm sau như thế nào. Giá đất ảo hay thật thì địa phương là người nắm rõ nhất. Và đây là một căn cứ để xác định giá đất từ vị trí cụ thể”…
Bộ trưởng Bộ TN&MT cho hay dự luật đang thiết kế theo hướng địa phương ban hành bảng giá đất hằng năm, tuy nhiên có thể cân nhắc bổ sung nội dung “HĐND tỉnh điều chỉnh khi giá đất có sự đột biến”.
“Quãng thời gian một năm có rất nhiều sự biến đổi. HĐND tỉnh thấy được việc biến đổi đấy nhưng lại cứ bám vào quy định “một năm công bố bảng giá đất một lần” thì rất khó”” - bộ trưởng Bộ TN&MT nói và cho hay đây là vấn đề cơ quan soạn thảo vẫn nghiên cứu và tiếp thu.
Các trường hợp đề xuất áp dụng bảng giá đất
a) Tính tiền SDĐ khi Nhà nước công nhận quyền SDĐ ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích SDĐ của hộ gia đình, cá nhân;
b) Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất, trừ trường hợp cho thuê đất thông qua đấu giá quyền SDĐ;
c) Tính thuế SDĐ;
d) Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền SDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân;
đ) Tính lệ phí trong quản lý, SDĐ đai;
e) Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
g) Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và SDĐ đai;
h) Làm căn cứ tính giá trị quyền SDĐ khi công nhận quyền SDĐ có thu tiền SDĐ, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
…
(Trích Điều 159 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi))