Chiều 6-4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân và việc tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho hay tính đến hết ngày 2-4 đã có gần 11,7 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo luật được tập hợp gửi về Bộ TN&MT.
Không thu hồi đất cho “dự án nhà ở thương mại, khu đô thị”?
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ TN&MT, “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý của nhân dân.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐỨC MINH |
Trong đó có ý kiến tán thành với dự thảo về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng đề nghị mở rộng thêm đối với các dự án xã hội hóa (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường).
Có ý kiến đề nghị Nhà nước cần mở rộng các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế, kể cả các dự án sử dụng vốn đầu tư tư nhân; đề nghị quy định rõ tiêu chí thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để các địa phương dễ áp dụng, tránh lạm dụng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
Cũng có ý kiến đề nghị rà soát cách diễn giải quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mạch lạc, ngắn gọn và đủ nội hàm hơn.
“Tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo sửa đổi toàn bộ nội dung của điều này” - báo cáo của Bộ TN&MT nêu.
Cụ thể, Điều 75 dự thảo được chỉnh lý theo hướng quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gồm: (i) Để thực hiện các công trình công cộng như giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông…; (ii) Để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp như trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; cơ sở văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh…; (iii) Để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác như dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp… và các dự án khác do Nhà nước thu hồi để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi để giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu dự án có sử dụng đất.
Như vậy, theo dự thảo mới nhất, nội dung thu hồi đất cho “dự án nhà ở thương mại, khu đô thị” không còn được liệt kê tại Điều 75. Tuy nhiên, tại điểm e khoản 3 điều này quy định thu hồi đất để giao tổ chức phát triển quỹ đất của Nhà nước nhằm tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 108 dự thảo luật.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 108 dự thảo quy định Nhà nước thu hồi đất tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện các dự án nhà ở thương mại; đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ; dự án hỗn hợp gồm nhà ở và kinh doanh dịch vụ, thương mại; dự án kết cấu hạ tầng vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển; dự án lấn biển.
Sẽ bảo đảm công bằng khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Phát biểu tại hội nghị, liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định luật được sửa đổi theo hướng bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư… Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề trước đây chưa được quy định rõ.
“Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư” - ông Hà nói.
Đối với khu tái định cư, Phó Thủ tướng cho hay trước đây dự thảo quy định “phải tốt hơn” nơi ở cũ, tuy nhiên nếu dùng từ này thì rất khó định lượng. Vì vậy, dự thảo mới quy định rõ khu tái định cư phải tốt hơn ở chỗ phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch chi tiết.
“Cũng xem xét ở khu vực trung tâm phải tính toán phương án bồi thường ở vị trí có điều kiện tương tự chứ không phải đưa tít ra ngoại ô” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh khu tái định cư nhưng phải được quy hoạch từ khâu quy hoạch phát triển đô thị.
Nêu ý kiến sau đó, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) nhận xét chính sách pháp luật đất đai hiện hành chưa quy định cụ thể nhằm điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đối với từng loại dự án bị tác động bởi các yếu tố đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng, quy hoạch hay chuyển mục đích sử dụng đất.
“Những người dân bị di dời đôi khi được bồi thường không thỏa đáng, mất việc làm, sinh kế, bị ảnh hưởng và hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ dự án. Trong khi đó, giá trị đất đai của các hộ dân không bị di dời có giá trị tăng thêm rất lớn” - bà Song An phản ánh.
Từ đó, nữ đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể, cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể.
Đề xuất chính sách quản lý đặc thù vớiđất công
Liên quan đến chế độ sử dụng các loại đất, ông Trần Hồng Hà cho hay ban soạn thảo đang tính toán, đề xuất có thể đưa cả đất công (đất Nhà nước quản lý), trong đó có đất an ninh, quốc phòng vào dự thảo để có chính sách quản lý đặc thù.
Phó Thủ tướng dẫn chứng việc chuyển đất xây dựng nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) từ đất quốc phòng nhưng trình thủ tục mất gần một năm và Thủ tướng phải ba lần vào mới làm được.
“Như vậy việc chuyển đất quốc phòng sang đất giao thông, dù vẫn là đất công nhưng thủ tục hết sức khó khăn” - ông Hà nói.