Đại biểu Quốc hội kiên trì chất vấn vì lợi ích chính đáng của người dân

Đại biểu Quốc hội kiên trì chất vấn vì lợi ích chính đáng của người dân

(PLO)- Đại biểu cho rằng Quốc hội nên nghiên cứu, bổ sung một cơ chế mà ở đó có thể đo được hiệu quả việc thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành được chất vấn.

Hôm nay (6-11), Quốc hội (QH) bước vào những ngày hoạt động sôi động nhất của kỳ họp, đó là chất vấn và trả lời chất vấn, đây cũng là một trong những hoạt động giám sát tối cao của QH. Việc giám sát này, theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ là thực hiện phương châm “coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu (ĐB) QH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng, một trong những ĐBQH kiên trì theo đuổi vấn đề của mình, nói có thể coi đây là một cuộc tổng rà soát việc thực hiện các nghị quyết của QH trong hai nhiệm kỳ gần đây.

Đại biểu Quốc hội kiên trì chất vấn vì lợi ích chính đáng của người dân-hoang-duc-thang.jpg
ĐBQH Hoàng Đức Thắng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Công lý phải được thực thi

. Phóng viên: Thưa ông, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ QH hôm 15-8, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói đây là lần thứ 10 Viện trưởng trả lời chất vấn của ông về vụ án gỗ trắc?

+ ĐBQH Hoàng Đức Thắng: Ngoài tôi, cũng có một số ĐBQH đoàn Quảng Trị và cả ở đoàn khác rất quan tâm đến vụ án gỗ trắc. Tôi đã không dưới bảy lần đề cập, chất vấn việc này với các cơ quan tư pháp, Bộ Công an. Chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu oan sai trong vụ án này là có cơ sở. Đồng thời, có những vi phạm tố tụng trong vụ án đã không được xem xét đầy đủ, kịp thời.

Việc có oan sai hay không thì còn nhiều quan điểm khác nhau nhưng có một sự thật là cơ quan tố tụng cho bán vật chứng trong quá trình điều tra. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị, kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao rằng việc bán vật chứng là sai, vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Ban đầu, các cơ quan đều cho rằng bán vật chứng như thế là đúng pháp luật. Đến năm 2019, khi chúng tôi truy vấn đến cùng, VKSND Tối cao thừa nhận đó là vi phạm pháp luật và khởi tố vụ án bán vật chứng này. Vật chứng đã bán đi nên vụ án bị đẩy vào chỗ “bế tắc”, khiến cho những tranh cãi kéo dài đến nay.

le-minh-tri.jpg
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn đại biểu Hoàng Đức Thắng về “kỳ án gỗ trắc” tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8 vừa qua. Ảnh: PHẠM THẮNG

. Điều gì khiến ông kiên trì trong nhiều năm, qua nhiều kỳ họp, đeo đuổi vụ án này dù có lúc dường như sự việc rất bế tắc?

+ Nhiệm vụ của ĐBQH là đứng về phía người dân để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân. ĐBQH phải bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật theo hướng công bằng. Nghĩa là dù cá nhân nào, cơ quan nào vi phạm pháp luật thì ĐBQH cũng không thể bảo vệ cái sai mà phải công tâm, khách quan.

Động lực khiến tôi theo đuổi vụ án này là phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Những hành vi của doanh nghiệp trong vụ án này, theo tôi, chỉ là vi phạm hành chính chứ không phải là hình sự.

Tôi rất tâm đắc Nghị quyết 41/2023 của Bộ Chính trị vừa ban hành, trong đó nêu rõ “không hình sự hóa hành vi hành chính”. Nếu dùng quan điểm này để soi lại vụ án gỗ trắc thì chính các cơ quan tố tụng đang hình sự hóa và buộc tội các bị cáo bằng bản án không thỏa đáng.

Với trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân cũng như sự nghiêm minh của pháp luật, chúng tôi cần có một sự công bằng, thúc đẩy thượng tôn pháp luật. Tôi muốn đi đến mục tiêu cuối cùng là công lý phải được thực thi và pháp luật phải được thượng tôn.

. Sự kiên trì này của ông ở một khía cạnh khác đã phản ánh sự chưa hài lòng của ông trước câu trả lời và cách xử lý vấn đề của tư pháp cùng các bên liên quan?

+ Thực ra đứng trước một bức xúc của người dân, rồi bức xúc của mình khi đeo đuổi vụ việc khi thấy có những bất hợp lý thì tôi nêu vấn đề ra trước nghị trường, công luận… Như tôi vừa nói, điều này chỉ để công lý được thực thi, pháp luật được thượng tôn.

Tôi cảm nhận những ý kiến phản ánh của tôi với tư cách là ĐBQH được người dân, cử tri đồng tình, công luận hết sức ủng hộ. Giới luật gia, luật sư… cũng thừa nhận những gì ĐBQH phản ánh, chất vấn là có cơ sở.

p23-anh-chinh-chuyen-de-chat-van-3273-402.jpg
QH sẽ dành 2,5 ngày để chất vấn về giám sát chuyên đề và chất vấn. Ảnh: QH

Theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức QH, ĐBQH có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước.

Có thể lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong nhiệm kỳ

. Theo thông lệ, tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ, các ĐBQH sẽ không lựa chọn chủ đề, chọn người chất vấn mà tiến hành giám sát việc thực hiện của các cơ quan với 10 nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIV và khóa XV về giám sát chuyên đề và chất vấn, liên quan tới 21 lĩnh vực. Ông nhận định gì về cách thức chất vấn như vậy?

+ Tôi hoan nghênh QH kỳ này tiến hành chất vấn nội dung bao trùm như vậy. Có thể coi đây là một cuộc tổng rà soát việc thực hiện các nghị quyết của QH trong hai nhiệm kỳ gần nhất. Đây cũng là dịp đánh giá tinh thần trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên trước nhân dân, trước nhiệm vụ mà nhân dân giao phó.

Ở một khía cạnh khác, đây cũng là cơ sở để đánh giá tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.

. Theo ông, ngoài việc ban hành một nghị quyết về chất vấn, trong đó yêu cầu các trưởng ngành thực hiện lời hứa của mình, QH nên làm gì để lời hứa của các trưởng ngành trở thành hiện thực?

+ Đây chính là một trong những điều mà ĐBQH và người dân hết sức quan tâm. QH cứ chất vấn, giám sát, những vị được chất vấn cứ trả lời, còn việc thực hiện các lời hứa trước QH đến đâu thì vẫn còn là vấn đề.

Tôi cho rằng có “lỗ hổng” trong cơ chế đối với việc thực hiện các lời hứa, cụ thể là việc thực hiện nghị quyết chất vấn của QH. QH có thể phải nghiên cứu, bổ sung một cơ chế mà ở đó có thể đo đếm được trách nhiệm, hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết chất vấn cũng như lời hứa của các tư lệnh ngành được QH chất vấn.

Ở đây, theo tôi có hai việc có thể làm được. Ví dụ, lời hứa hay những việc QH yêu cầu mà những người được chất vấn không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, QH có thể thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý những người đó đề nghị đánh giá, xem xét trách nhiệm. Với trường hợp đặc biệt, có thể bỏ phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu không tín nhiệm một cách công tâm, kiên quyết.

Tôi cũng cho rằng nên nghiên cứu thay đổi cách lấy phiếu tín nhiệm. Hiện nay, QH chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ nhưng tôi nghĩ QH có thể lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong nhiệm kỳ, trong đó có nội dung thực hiện lời hứa, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân.

Việc này không chỉ tốt cho hoạt động của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm mà còn tốt cho cả nền công vụ, cho đất nước.

p3-anh-lon-chung-y-kien-9868-6931.jpg
Các nội dung chất vấn của các đại biểu phải làm rõ được những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ mà bộ trưởng, trưởng ngành phụ trách. Ảnh: PHẠM THẮNG

. QH vừa tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn ngay đầu kỳ họp. Ông có nghĩ nếu việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện sau phiên chất vấn sẽ hợp lý hơn?

+ Tôi cho rằng ý kiến này có cơ sở. Từ hôm nay, QH sẽ dành 2,5 ngày chất vấn Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành… Những gì các bộ trưởng, trưởng ngành được chất vấn trả lời, giải trình trước QH sẽ giúp ĐBQH có thêm cơ sở để đánh giá tín nhiệm các chức danh được QH bầu, phê chuẩn.

Lấy phiếu tín nhiệm trong bối cảnh như thế sẽ thuyết phục hơn. Tôi mong ý kiến này sẽ được Ủy ban Thường vụ QH nghiên cứu để đổi mới thời điểm lấy phiếu tín nhiệm trong tương lai.

. Xin cảm ơn ông.

Nghiên cứu chất vấn các chức danh do Quốc hội bầu

. Phóng viên: Vừa rồi, các ĐBQH cũng thảo luận, tranh luận nhiều về chồng chéo, mâu thuẫn pháp luật mà nguyên nhân có cả từ việc các luật do QH ban hành mâu thuẫn nhau. Theo ông, QH có nên chất vấn các chức danh mà QH bầu cho QH theo đúng quy định của Hiến pháp?

+ ĐBQH Hoàng Đức Thắng: Khi lấy phiếu tín nhiệm, chúng ta lấy với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có các chức danh ở QH, Chính phủ, khối tư pháp và thiết chế Chủ tịch nước. Và từ trước tới nay, chúng ta thường chỉ chất vấn Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, các chức danh tư pháp, tổng Kiểm toán Nhà nước… Các chức danh khác do QH bầu như Chủ tịch QH, các phó chủ tịch, chủ nhiệm các ủy ban, Hội đồng Dân tộc… hầu như chúng ta chưa chất vấn.

Tôi cho rằng điều này cần nghiên cứu cụ thể. Hãy bình đẳng với nhau về quyền lợi và trách nhiệm. Mọi chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn phải được chất vấn theo đúng quy định trong Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức QH. Như vậy, nếu QH tiến hành chất vấn Chủ tịch QH, các phó chủ tịch, tổng thư ký và chủ nhiệm các ủy ban… cũng là việc bình thường.

Chúng ta đã có những thành tựu lớn trong xây dựng pháp luật nhưng tồn tại, hạn chế không phải là không có. Những khiếm khuyết trong xây dựng pháp luật này có thể mới chỉ dừng lại ở mức rút kinh nghiệm. Bởi vậy, việc chất vấn các chức danh của QH cũng nên được đặt ra để tạo ra sự bình đẳng, công khai đối với tất cả chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.

-----------

Ý KIẾN BÀN TRÒN

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trao đổi bên hành lang QH:

Nhiều vấn đề đã được giải quyết, tháo gỡ

Thực chất đây là đợt chất vấn việc thực hiện những lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các nghị quyết đã được QH thông qua về chất vấn và giám sát chuyên đề. Thời gian qua, cử tri rất hài lòng về những nội dung QH đã lựa chọn giám sát chuyên đề cũng như chất vấn. Đây đều là những vấn đề nổi lên, nóng và ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.

Lần này tổ chức chất vấn lại những vấn đề lớn như thế tại một phiên họp giữa nhiệm kỳ chắc chắn sẽ tạo áp lực cho các thành viên Chính phủ. Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ cũng đánh giá năng lực, khả năng điều hành của Chính phủ.

p3-nguyen-ngoc-son.jpg

Theo tinh thần tại nhiệm kỳ QH khóa XV, đặc biệt là chỉ đạo của Chủ tịch QH, các cơ quan của QH tổ chức giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, theo lĩnh vực của mình thường xuyên, hằng năm. Ngoài ra, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban cũng tổ chức các phiên giải trình riêng về các nội dung đã được QH, Ủy ban Thường vụ QH thông qua… Qua đó, nhiều vấn đề đã được Chính phủ giải quyết, tháo gỡ.

Tôi cho rằng phiên chất vấn lần này sẽ giúp đánh giá những gì các thành viên Chính phủ đã làm được. Đây cũng là dịp để các thành viên Chính phủ nhìn nhận một cách nghiêm túc những gì chưa làm được…

Sau phiên chất vấn, nghị quyết kỳ họp hay một nghị quyết riêng của phiên chất vấn sẽ là một cơ sở pháp lý để QH yêu cầu Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn một cách hiệu quả hơn.

******

ĐBQH LÊ THANH VÂN (đoàn Cà Mau):

“Đã là đại biểu Quốc hội thì phải chất vấn đúng tầm”

Đã là ĐBQH thì phải chất vấn đúng tầm. Chất vấn phải làm rõ công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ mà bộ trưởng, trưởng ngành đó điều hành.

Cụ thể, tại sao chức năng, nhiệm vụ như thế, anh lại không làm hoặc không làm được? Có phải do năng lực hay chây ỳ, không ý thức được công việc? Hoặc công việc nhận nhưng không làm, hoặc hậu quả xảy ra thuộc hoàn toàn giới hạn phạm vi của anh nhưng lại đổ lỗi cho người khác. Khi đó, ĐB phải truy đến nơi đến chốn. Chất vấn là phải như thế!

p3-le-thanh-van.jpg

Tôi cũng quan tâm đến việc chấp hành pháp luật và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương. Ở vai trò người đứng đầu bộ, ngành, trước tiên anh phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, những gì liên quan đến công việc mà ngành đó đảm nhiệm và nếu xảy ra sự cố thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thế nào?

Có hiểu được như thế mới biết giới hạn, phạm vi của mình để phòng ngừa trước. Tất nhiên, nếu phòng ngừa bằng cách không làm gì cả thì đó chính là hành vi vi phạm pháp luật, vì anh đã không thực hiện nhiệm vụ mà pháp luật trao cho.

*****

TS PHẠM HIỂN, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:

Mong đại biểu chất vấn chuyện PGS Đinh Công Hướng

Là một cử tri, tôi rất quan tâm đến hoạt động của QH, đặc biệt là các phiên chất vấn. QH hôm nay bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ. Điều trùng hợp là mấy hôm nay rộ lên câu chuyện PGS Đinh Công Hướng phải “bán” các nghiên cứu của mình để có tiền lo cho cuộc sống. Tôi mong rằng sẽ có ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt về vấn đề này.

Tôi cũng mong từ chất vấn của ĐBQH, QH, Chính phủ, Bộ KH&CN sẽ đưa ra được các giải pháp căn cơ giúp các nhà khoa học có thu nhập tương xứng với cống hiến để họ chuyên tâm nghiên cứu. Các giải pháp như vậy cũng sẽ giúp mỗi trường đại học có cơ sở triển khai các chính sách đãi ngộ, khen thưởng phù hợp.

p3-TS Pham-Hien.jpg

Khi đó, không có lý do gì người làm khoa học phải gắn danh một cơ quan khác cho tác phẩm khoa học của mình. Điều này cũng giải quyết được tình trạng tạm gọi là “mua” bài của một số trường đại học.

Thực tế, nếu có một hành lang pháp lý cho các nhà quản lý khoa học và giáo dục cũng như người làm nghiên cứu, giảng viên sẽ góp phần giải quyết được thực tế hiện nay là đồng lương chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt.

Tuy nhiên, trong lúc chờ hành lang pháp lý đó thì rất cần khuyến khích việc có những cơ chế đãi ngộ phù hợp. Một số trường đại học ở Việt Nam hiện đã có chính sách đãi ngộ cho các sản phẩm khoa học được công bố trong và ngoài nước.

Những giải pháp cả về pháp lý và thực tiễn như vậy sẽ giải phóng sức lao động, khuyến khích những người làm nghiên cứu sáng tạo nhiều hơn nữa.

Quốc hội bắt đầu 2,5 ngày chất vấn việc thực hiện lời hứa của các “tư lệnh” ngành

Theo nghị trình, từ ngày 6 đến hết sáng 8-11, Quốc hội (QH) dành 2,5 ngày làm việc dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Thông lệ tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ này, việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các kỳ họp thông thường.

Cụ thể, các đại biểu (ĐB) QH sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện 21 lĩnh vực nêu trong 10 nghị quyết của QH khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Nêu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói tại kỳ họp thứ sáu sẽ chất vấn tổng thể chung nhưng để tạo thuận lợi và tiện theo dõi, phiên chất vấn sẽ tiến hành theo bốn nhóm lĩnh vực.

p23-mau-chan-trang-chuyen-de-6349-9437.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo chương trình chất vấn, sáng 6-11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang báo cáo QH việc thực hiện một số nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn. Kế đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn sẽ trình bày báo cáo. Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường trình bày báo cáo thẩm tra các nội dung trên.

Từ 9 giờ 40 đến 14 giờ 40, các ĐBQH bắt đầu chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành thuộc nhóm lĩnh vực đầu tiên là kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng. Tiếp theo, QH chất vấn nhóm lĩnh vực thứ hai gồm công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường. Nội dung trên sẽ được tiếp tục đến nửa buổi sáng 7-11.

Từ 9 giờ 10 đến 15 giờ ngày 7-11, các bộ trưởng, trưởng ngành nhóm lĩnh vực tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán sẽ trả lời chất vấn.

Từ 15 giờ ngày 7-11 đến 9 giờ 30 ngày 8-11, các ĐBQH chất vấn các thành viên Chính phủ ở nhóm lĩnh vực cuối cùng là khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Khép lại phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐBQH.

Đọc thêm