Chiều 27-10, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; việc triển khai dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành (theo Nghị quyết 53/2017/QH14 của QH).
Chính sách là chung, không phải “xin-cho”
Đối với nội dung dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng các công trình giao thông đường bộ, thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, dẫn thực tế công tác triển khai đường vành đai 4 vùng thủ đô có rất nhiều vướng mắc. Trong đó, rất nhiều văn bản phải xin ý kiến các bộ, ngành. Trước tình hình đó, lãnh đạo TP Hà Nội họp và quyết định TP chủ động tháo gỡ vướng mắc, không xin ý kiến nữa.
“Vì nếu xin là dừng dự án. Chỉ cần bộ, ngành trả lời một câu là “theo quy định của pháp luật” là phải làm lại quy trình xin ý kiến QH từ đầu rồi. Như thế thì không biết bao giờ xong cả” - ĐB Thường nói. Ông cũng cho rằng các chính sách trong nghị quyết thí điểm lúc này là cần thiết, tuy nhiên cần cập nhật tình hình thực tế để giải quyết triệt để các vướng mắc trong thực tế.
Theo ông Thường, trên thực tế đang có những vướng mắc trong thực hiện thanh toán của Nhà nước đối với nhà đầu tư trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cụ thể, nhà đầu tư phải bỏ vốn vay, vốn chủ sở hữu để thi công và chỉ được thanh toán khi cơ quan nhà nước ký xác nhận hoàn thành dự án mới được giải ngân.
“Điều này giảm tính hấp dẫn, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi tham gia dự án. Đề nghị phải giải ngân theo tiến độ dự án, chứ không chờ xong rồi mới thanh toán cho nhà đầu tư” - ông Thường nói.
Các ĐBQH cũng đề nghị bỏ tất cả phụ lục là danh sách các dự án kèm theo ở năm chính sách thí điểm để đảm bảo tính nhất quán trong pháp luật, tránh hình thành cơ chế
“xin-cho”. Điển hình, ĐB Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nói: “Tôi cho rằng cứ các dự án giao thông trọng điểm đã được QH thông qua, đáp ứng các tiêu chí, nguyên tắc cụ thể thì đương nhiên được hưởng chính sách này. Đã là chính sách là phải chung, chứ không mai này dự án khác muốn áp dụng cơ chế này lại phải đi xin”.
Cùng ý kiến, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt vấn đề: “Vì sao các dự án này lại lọt vào danh sách và ai chịu trách nhiệm về danh sách này? Bây giờ bảo ĐBQH đồng ý thông qua nghị quyết đặc thù kèm theo danh sách này thì ĐBQH đâu có chịu trách nhiệm được về danh sách này”.
Theo ông Nghĩa, cần khảo sát ngay các dự án “có nhu cầu tương tự” để quy định ra một số nguyên tắc, tiêu chí chung. QH giao toàn quyền cho Thủ tướng xét duyệt, quyết định và chịu trách nhiệm về danh sách thông qua. Sau này, các dự án giao thông trọng điểm đầu tư theo hình thức PPP sẽ được tự động áp dụng cơ chế này, không phải đi xin nữa.
Đại biểu cho rằng nếu được thông qua chủ trương dự án sân bay Long Thành thì Chính phủ phải đưa ra giải pháp cụ thể để hoàn thành dự án theo đúng mốc thời gian đã đề ra.
Tiến độ sân bay Long Thành đã chậm ba năm
Thảo luận tại tổ, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) lo lắng khi tiến độ dự án sân bay Long Thành đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. “Tôi rất chia sẻ với Chính phủ khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 nhưng để chậm trễ đến ba năm quả là một điều rất đáng báo động” - bà Yên nói.
Bà Yên cho hay Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian triển khai dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đến năm 2024, tức chỉ còn một năm nữa. Thế nhưng báo cáo cho thấy công tác giải phóng mặt bằng có nhiều nội dung còn dang dở. Vì vậy, theo bà Yên, nếu được thông qua chủ trương dự án thì Chính phủ phải đưa ra giải pháp cụ thể để hoàn thành dự án theo đúng mốc thời gian đã đề ra.
Bên cạnh đó, ĐB Yên cũng lưu ý phải ưu tiên giải quyết quyền lợi cho người dân trong dự án, tránh để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người. “Đề nghị chính quyền địa phương, chủ đầu tư làm việc thật cụ thể với từng gia đình. Từ đó lắng nghe, thuyết phục, giải quyết thấu đáo quyền lợi cho người dân, coi đó như việc của gia đình, anh em, họ hàng mình” - bà Yên nhấn mạnh.
Cùng nội dung, ĐB Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) nhận định việc gia hạn thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành đến năm 2024 chắc chắn sẽ ảnh hưởng chung đến lộ trình thực hiện giai đoạn 1.
“Nếu việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án mà không điều chỉnh thời gian thực hiện hoàn thành, đưa vào khai thác giai đoạn 1 thì có bảo đảm tiến độ giai đoạn 1 không? Chưa thấy Chính phủ có đánh giá và điều chỉnh” - ông Hiển nói.
Làm rõ hơn nội dung này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định tiến độ chung của dự án sân bay Long Thành đang kiểm soát được. “Với trách nhiệm là bộ trưởng GTVT quản lý ngành, quản lý nhà nước và rất sát sao với dự án, tổng thể dự án nếu có chậm cũng sẽ không quá một năm” - ông Thắng nói.
Ông Thắng khẳng định việc gia hạn triển khai dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành không làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ chung của dự án. “Chính phủ, Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ tối đa và phấn đấu vượt tiến độ” - ông Thắng khẳng định.•
Đảm bảo hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2025
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thông tin đến nay toàn bộ diện tích xây dựng dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã được bàn giao đầy đủ.
Trong đó, khâu khó của dự án là nhà ga đã lựa chọn được nhà thầu và đang triển khai theo tiến độ. Còn các dự án thành phần khác cũng bám theo dự án nhà ga, đảm bảo tiến độ. Trường hợp dự án đẩy nhanh tiến độ, vượt được sáu tháng thì vẫn đảm bảo mục tiêu hoàn thành vào năm 2025.