Ngày mai (12-6), dự luật an ninh mạng có thể sẽ được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua theo nghị trình. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự luật này.
Nên rà soát lại dự luật an ninh mạng
Nêu quan điểm về dự luật an ninh mạng, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng cơ quan thẩm định cần rà soát, đối chiếu với Luật An toàn thông tin mạng cùng nhiều quy định chưa phù hợp khác.
Ông nói: Hiện nay đang có nhiều ý kiến lo ngại các quy định của Luật An ninh mạng nếu được Quốc hội thông qua thì quản lý nhà nước sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ, tự do kinh doanh của DN, quyền tự do cá nhân.
Như vấn đề thẩm định, khai trình, kiểm soát, yêu cầu cung cấp thông tin… tôi có cảm giác vượt qua khỏi quy định trước đây. Ví dụ như trong trường hợp nào thì DN phải thông báo, phải hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước? Quyền kinh doanh đã được ghi trong hiến pháp, nếu người ta vi phạm pháp luật thì người ta phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước chứ việc gì phải làm những động tác vượt quá tầm, tăng thêm các thủ tục hành chính đối với một DN. Còn việc an ninh thì anh cứ làm theo quyền của anh. Quan trọng nhất là khi có việc xảy ra thì anh phải là người xuất hiện. Cơ quan nhà nước phải là người phòng bị từ xa ở những câu chuyện khác chứ không phải là ở trong DN ấy.
Tôi lấy ví dụ như trường hợp anh yêu cầu DN khai trình nhưng anh có giúp DN xử lý được đối tượng nước ngoài tấn công DN đó không? Vì vậy anh phải sản xuất các phần mềm an ninh, tăng cường hoạt động tình báo, đầu tư cho nhân lực… để đảm bảo an ninh cho DN chứ không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN, cả DN nhà nước.
Ví dụ như hàng không cũng không nên can thiệp sâu vì bản thân các DN ấy đều có bí mật kinh doanh riêng và có biện pháp phòng, chống các tấn công mạng, hãn hữu mới xảy ra thì việc gì phải đi khai trình. Tôi đưa cho anh rồi, chắc gì anh đã giữ bí mật cho tôi. Lấy ai làm trọng tài để giám sát việc “anh giúp cho DN đó chứ không phải là người gây khó dễ cho DN”.
Làm thế nào để đảm bảo an ninh quốc gia, đây là vấn đề quan trọng chứ đừng lấy câu chuyện trật tự an toàn xã hội để khống chế. Nếu người ta vi phạm gì thì anh xử lý, đừng bắt DN, công dân làm quá nhiều việc vượt quá khuôn khổ, làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của DN, tăng thêm nhiều thủ tục hành chính…
Rất nhiều người yêu cầu hủy bỏ 5-6 điều trong dự thảo luật vì gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, quyền tự do kinh doanh của DN. Nếu cứ khăng khăng giữ, không sửa đổi thì tôi nghĩ nhiều người sẽ không đồng thuận.
Tôi nghĩ rằng ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự luật nên rà soát, lắng nghe vì luật phải tạo ra sự đồng thuận xã hội. Chứ cứ nói không quản được thì cấm, không quản được thì xử lý, bắt người ta phải làm cái này cái khác thì nó không đúng với tính chất của một nhà nước pháp quyền, một nhà nước phục vụ.
Tôi cũng cho rằng cần nghiên cứu ngược lại Luật An toàn thông tin mạng, những vấn đề nào liên quan đến an ninh quốc gia thì phải đưa vào hành vi cấm, tức phải xây dựng các hành vi cấm. Ngoài các hành vi cấm ra thì người ta hoàn toàn có quyền thực hiện. Các cơ quan, tổ chức, công dân có quyền làm những gì Nhà nước không cấm. Còn lại những điều cấm thì người ta không làm, anh nào vi phạm điều cấm thì bị xử lý. Chúng ta hoàn toàn có quyền truy cứu cả trách nhiệm pháp nhân… những điều này tôi cho rằng rất khó làm trong thời đại này.
Nên thiết kế luật theo hướng đó mới là một đạo luật đúng theo tinh thần của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa VN.
Dễ làm thụt lùi tốc độ phát triển
Ra Luật An ninh mạng là cần thiết với xu thế phát triển hiện nay. Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt, nếu quy định chặt quá thì sẽ kìm hãm xu hướng phát triển.
Hôm phát biểu về dự luật này tại hội trường, tôi có góp ý về quy định cơ quan phụ trách an ninh mạng có quyền kiểm tra các tổ chức, nhà mạng khi phát hiện các vấn đề về an ninh trật tự, an toàn thông tin, an ninh mạng. Trong đó có vế là “hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước”.
Ở đây, nếu quy định không rõ thì có thể bất kỳ lúc nào cơ quan nhà nước cũng có quyền kiểm soát, can thiệp vào hoạt động của tổ chức, DN. Việc này dễ nảy sinh chuyện lạm dụng quyền kiểm tra, kiểm soát, chưa kể là lợi dụng quyền đó để gây khó khăn cho DN, cho các tổ chức, cá nhân. Đó là những yếu tố sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.
Có những việc nếu không quy định chặt chẽ thì sẽ gây phiền hà cho DN. Ví dụ như ngân hàng, người ta có quyền giữ uy tín với khách hàng, đây là đạo đức kinh doanh. Nếu như cứ có dấu hiệu là phải cung cấp, không loại trừ những trường hợp chưa phải là đúng thì vô tình vi phạm đến quyền bảo mật, giữ kín thông tin khách hàng của họ.
Dự luật phải hướng đến không phát sinh thủ tục, phiền hà, gây khó khăn cho DN. Còn quản lý như thế nào là việc của cơ quan nhà nước. Xu thế phải như vậy, tức là phải thận trọng, nếu không ta sẽ làm thụt lùi tốc độ phát triển.
Liên quan đến quyền con người, quyền thông tin, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân, luật pháp quy định những quyền này sẽ bị hạn chế trong từng lĩnh vực đặc biệt. Chúng ta không thể phủ nhận những mặt tích cực của Internet nhưng nó cũng có những tồn tại, tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị… của đất nước. Vì vậy cũng cần có quy định để giảm thiểu tối đa các hạn chế mang tính tiêu cực đó. Trên thế giới, một số nước cũng gặp tình trạng này. Vì vậy, dự luật phải cân nhắc để làm sao hạn chế được các tiêu cực này nhưng cũng đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân.
Đại biểu Quốc hội TẠ VĂN HẠ (Bạc Liêu)
Chưa thống nhất với luật khác
Đề nghị cân nhắc một số điều, khoản để tránh sự chồng chéo, không cần thiết về quản lý nhà nước, tránh đặt ra quá nhiều rào cản dẫn đến gánh nặng cho các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, hạn chế lợi ích được thụ hưởng dịch vụ chính đáng của người dân.
Thứ nhất, về việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại VN phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện được quy định tại VN là khó khả thi, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin của người dân trong trường hợp các DN nước ngoài không thực hiện.
Hiện nay máy chủ của các dịch vụ mà nhiều người VN sử dụng thường xuyên như Google, Facebook đều đặt tại nước ngoài. Với công nghệ phát triển hiện nay, máy chủ không phải là máy cụ thể mà theo thuật toán đám mây, máy chủ là máy ảo cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ nhà cung cấp nào đó và xu hướng này là xu hướng của thế giới.
Nếu các DN nước ngoài không theo quy định này thì có thể sẽ không được phép cung cấp dịch vụ tại VN, ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân. Nhất là trong bối cảnh nước ta chưa có được bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân.
Bên cạnh đó, trong cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới và dịch vụ không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không có quy định phải có cơ quan đại diện, văn phòng đại diện trên lãnh thổ của VN… Thứ hai, về tính thống nhất, một số hành vi mà dự thảo luật đưa ra và giải thích lại không có sự thống nhất với quy định về tội phạm trong Bộ luật Hình sự…
Chưa hết, việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm có liên quan đến sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, nhiều hành vi được liệt kê trong dự luật không có trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Do đó, đề nghị ban soạn thảo rà soát lại nội dung của Bộ luật Hình sự cũng như dự thảo Luật An ninh mạng để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.
Với quy định đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đưa vào môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường của dự luật, ban soạn thảo cần cân nhắc để đảm bảo tính khả thi…
PHẠM THỊ THANH THỦY (Thanh Hóa)
phát biểu tại phiên thảo luận về dự luật ngày 29-5
Nhầm lẫn khách thể TS NGUYỄN SĨ DŨNG An ninh quốc gia là để bảo vệ quốc gia. An ninh mạng là để bảo vệ mạng. Dùng Luật An ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia là một sự lầm lẫn rất đáng tiếc về khách thể của pháp luật (khách thể của pháp luật là đối tượng, giá trị được pháp luật bảo vệ). Sự lầm lẫn này dẫn đến hậu quả là đầy rẫy sự trùng lặp, thậm chí xung đột giữa đạo luật này với các đạo luật có khách thể là an ninh quốc gia. Điều rõ nhất là an ninh quốc gia được bảo vệ bởi Bộ luật Hình sự. Không có bất kỳ hành vi nào bị cấm bởi Luật An ninh mạng mà đã không bị cấm bởi Bộ luật Hình sự. Chỉ có điều các quy định của Bộ luật Hình sự chặt chẽ hơn và với chất lượng lập pháp cao hơn. Thêm vào đó, các cơ quan bảo đảm an ninh quốc gia, thẩm quyền và thủ tục hoạt động của các cơ quan này đều đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng... Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng (mà thực chất là bảo vệ an ninh quốc gia) nếu được thành lập chắc chắn sẽ trùng lặp, thậm chí xung đột với các cơ quan nói trên. Một đạo luật không chỉ nhầm lẫn về khách thể mà còn làm phát sinh chi phí to lớn cho Nhà nước và xã hội, tiềm ẩn nguy cơ chồng chéo, xung đột với cơ chế bảo vệ an ninh quốc gia (rất hiệu quả) đang tồn tại, có nhất thiết phải được ban hành? TS NGUYỄN SĨ DŨNG, |