Ngày 2-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý Luật An ninh mạng, chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV. Hội thảo do bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, chủ trì.
Nhiều đại biểu cho rằng đây là bộ luật rất quan trọng, liên quan đến an ninh của quốc gia. Tuy nhiên nội dung lại có một số trùng lắp với các luật hiện hành gồm: Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin, Luật Cơ yếu. Do vậy, cần điều chỉnh để rõ ràng hơn.
Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh đến quyền lợi của công dân khi sử dụng dịch vụ mạng an toàn. Ảnh: L. THOA
Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh những nội dung quan trọng trong luật cần làm rõ như: công tác hợp tác quốc tế về an ninh mạng phòng chiến tranh, giám sát an ninh mạng, vai trò của Bộ Ngoại giao hay việc xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.
LS Hòa cũng cho rằng người sử dụng mạng cần được cung cấp đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình, được khuyến cáo để không vô tình vi phạm.
Bà nêu: “Cá nhân chúng ta khi đọc đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng đều lo sợ. Vì mạng thì ai cũng dùng nhưng trong luật thì quyền lợi chưa nêu đầy đủ mà trách nhiệm thì lại rất lớn”.
Theo đó, người dân phải có quyền được cung cấp kịp thời thông tin, được khuyến cáo. Nếu không người dân sẽ vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị Luật An ninh mạng phải dễ hiểu, gọn để người dân biết họ nên làm gì, không nên làm gì.
LS Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng đối với người dân quan trọng là thuận lợi, khi ban hành luật người dân sống và làm việc phải biết mình nên làm gì, không nên làm gì. Do đó, Luật phải dễ hiểu, gọn nhẹ, đến lúc có vi phạm phải ra tòa thì xử lý cũng dễ dàng.
“Chúng ta không thể thua các nước trong lĩnh vực an ninh mạng; không thể thua trong lĩnh vực khai thác công nghệ để phát triển quốc tế” – LS Nghĩa nói thêm.
Ngoài ra, Đại tá Trần Ngọc Đức, Đại học Cảnh sát nhân dân, đề nghị luật cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền địa phương, nhà điều hành thông tin mạng và các tổ chức có liên quan.
Phát biểu kết luận, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết Luật An ninh mạng phải đảm bảo quyền của công dân khi sử dụng dịch vụ do mạng Internet mang lại; phải đảm bảo chặt chẽ, xử lý được khi có vi phạm. “Chúng ta quản lý như thế nào để các dịch vụ liên quan đến mạng không được ảnh hưởng đến người dân nhưng vẫn đảm bảo an ninh quốc gia của mình” – bà Tuyết nhấn mạnh.
Bà bày tỏ đồng tình khi có nhiều đại biểu băn khoăn, đề nghị rà soát để đảm bảo các quy định Luật An ninh mạng không trùng lắp, chồng chéo tạo độ vênh với các luật có liên quan.