Sáng qua, 29-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật An ninh mạng. Dự kiến dự luật sẽ được thông qua tại kỳ họp 5, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (Facebook, Google…) phải đặt máy chủ tại Việt Nam (VN).
Đặt máy chủ tại Việt Nam, liệu có ổn?
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) QH bày tỏ băn khoăn trước quy định bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (Facebook, Google…) phải đặt máy chủ tại VN, đồng thời phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng trong nước tại VN.
Cho rằng quy định này khó khả thi, không phù hợp với thực tiễn, ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) nói: “Nếu các doanh nghiệp (DN) nước ngoài không tuân thủ quy định này thì có thể sẽ không được phép cung cấp dịch vụ tại VN. Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân, nhất là trong bối cảnh nước ta chưa có được bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng nhu cầu này của người dân”.
ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đặt câu hỏi: “Khi đã đưa ra quy định này mà phía các DN nước ngoài như Google hoặc Facebook họ không thực hiện thì giải pháp của chúng ta ở đây là gì, liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ VN hay không?”. ĐB Thưởng cho rằng cần phải có quy định phù hợp với thực tiễn VN và mối quan hệ hiện nay cũng như những cam kết của VN với nước ngoài và pháp luật quốc tế.
Trước băn khoăn của các ĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt khẳng định quy định như vậy không vi phạm các cam kết quốc tế vì các hiệp định này đều có quy định ngoại trừ do liên quan đến an ninh quốc gia. “Đây là vấn đề hết sức quan trọng, kẻ địch đang lợi dụng và triệt để lợi dụng việc này để chống phá ta thì không có lý do gì mà chúng ta lại buông lỏng việc này” - ông Việt nhấn mạnh.
Cũng theo ông Việt, do lâu nay không có quy định trong luật nên việc các nhà mạng nước ngoài cung cấp dữ liệu cho cơ quan chức năng theo kiểu tùy thích. “Nhiều chuyên án, vụ án bế tắc cũng từ việc này. Tại sao mình không quy định để có cơ sở pháp lý buộc anh phải chấp hành tốt? Nhưng nếu mình quy định, bản thân các DN, các nhà làm dịch vụ này cũng có ý thức, người công dân tham gia cũng có ý thức, đó là điều tốt” - ông nói.
Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng (trái) bày tỏ lo lắng về việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam trong khi Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho là rất cần thiết vì liên quan đến an ninh quốc gia. Ảnh: QH
Lo xâm phạm quyền tự do cá nhân
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề cập đến Điều 26 của dự luật về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng. Theo điều luật này, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại VN phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản. “Tôi nghĩ có một nguy cơ lớn có thể bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân mà hiến pháp đã quy định. Cần quy định rõ ràng về văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì cơ sở cung cấp dịch vụ không gian mạng phải cung cấp toàn bộ thông tin” - ĐB Hiếu nói.
ĐB Hiếu cũng đề cập đến quy định tại Điều 15 của dự luật về các thông tin xấu, độc cần ngăn chặn và gỡ bỏ. “Trong cuộc sống hằng ngày khó có thể khẳng định đúng sai, nhiều khi ranh giới rất mong manh. Vậy ai là người quy định, đánh giá nội dung các thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ TT&TT, Bộ Công an?” - ông đặt câu hỏi và cho hay kinh nghiệm của Indonesia “người đưa ra phán xét thông tin xấu là tòa án”.
Trước băn khoăn của ĐB Hiếu, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) thông tin việc phán xét thông tin xấu từ trước đến nay được thực hiện theo cơ chế trưng cầu giám định. “Tất cả tài liệu trên mạng khi cơ quan điều tra thu thập được đều phải trưng cầu giám định. Nếu những tài liệu này liên quan đến văn hóa thì Bộ Văn hóa- Thể thao giám định, liên quan đến Sở TT&TT thì sở giám định và trả lời bằng một văn bản” - ông Cầu cho hay.
Cần đầu tư mạnh hơn cho lực lượng cảnh sát biển Chiều qua, 29-5, QH đã thảo luận tổ về dự án Luật Cảnh sát biển (CSB) VN. Các ĐB cho rằng luật cần quy định rõ chức năng, quyền hạn của CSB để tránh chồng chéo với các lực lượng khác, đồng thời đề nghị đầu tư hơn nữa cho CSB để lực lượng này đủ điều kiện thực thi pháp luật trên vùng biển VN… ĐB Lâm Đình Thắng (TP.HCM) dẫn sự kiện giàn khoan HD 981 và nhận định do lực lượng mỏng, phương tiện yếu nên CSB rất vất vả trong sự việc này. “Có một tạp chí quân sự tháng 12-2017 đánh giá hiện nay CSB VN thiếu rất nhiều so với lực lượng của các quốc gia trên biển Đông có tranh chấp với chúng ta. Phải xác định trong luật, Nhà nước cần có chính sách đầu tư ưu tiên cho lực lượng CSB mới bảo đảm thực thi nhiệm vụ trong hoàn cảnh hiện nay” - ĐB Thắng nói. Cùng quan điểm này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị: “Khi ban hành Luật CSB thì cần đưa vào một số quy định để làm sao lực lượng CSB có thể đảm bảo về số lượng, quản lý được toàn bộ vùng biển. Có nghĩa là ở đâu có ngư dân, ở đâu có hoạt động vận tải hay kinh tế biển, kể cả khu vực đường biển quốc tế giữa VN với các nước thì CSB phải phủ kín để quản lý được địa bàn. Muốn như vậy, về tổ chức cần quy định để làm sao đảm bảo lực lượng đủ mạnh nắm bắt địa bàn”. TRỌNG PHÚ - ĐỨC MINH |