Với tư cách là người trong ngành, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn) nhìn nhận, sự việc xảy ra là điều rất xấu đối với ngành y và khiến bà cảm thấy đau xót. “Sự việc này là quá khủng khiếp vì bên cạnh việc thực hiện không đúng quy trình chuyên môn nó còn liên quan tới vấn đề đạo đức nghề nghiệp”, bà Nhi nói.
Theo bà, trong bất kỳ trường hợp nào, bác sĩ cũng phải tiến hành cấp cứu tại chỗ cho bệnh nhân, đưa người bệnh vào ngay vào cơ sở y tế có trình độ cao hơn, nhất là thẩm mỹ viện này lại nằm ngay cạnh Bệnh viện Bạch Mai. “Phải đặt tính mạng, quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết. Còn trong trường hợp bệnh nhân tử vong rồi thì cũng phải làm theo đúng quy trình xử lý. Vậy mà…”, bác sĩ Nhi nói.
Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Nguyễn Phạm Ý Nhi, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: N.H.
Cũng là đại biểu thành phố Hà Nội, đại biểu Bùi Thị An “sởn hết gai ốc và tới bây giờ vẫn còn cảm giác ấy” khi nghe tin về vụ việc. “Tôi cứ nghĩ không thể nào lại có hành vi vô nhân tính như thế trong ngành y. Hành vi ấy lại xảy ra với một bác sỹ trẻ, làm ở một bệnh viện lớn, có uy tín ở Hà Nội”, bà An chia sẻ. Với việc dồn dập các vụ tiêu cực của ngành y tế, nữ đại biểu cho rằng, tình trạng này là không thể chấp nhận được và cần phải làm rõ trách nhiệm của cả quản lý ngành dọc (y tế) và chính quyền địa phương. “Thẩm mỹ viện nằm ngay mặt đường to như thế, hoạt động đã 6 tháng, sao lại nói không biết? Không thể cứ để lặp đi lặp lại mãi các vụ việc tương tự rồi trả lời rằng không có trách nhiệm. Liên quan tới an toàn tính mạng của người dân thì chính quyền và ngành dọc đều phải có trách nhiệm”, bà An bức xúc. Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi: "Bản thân là một nhà quản lý, tôi thấy rất đau lòng về những vụ việc tiêu cực của ngành y tế. Có thể nói năm nay với ngành y, tâm tư đúng là khá nặng nề. Chúng tôi đã đặt vấn đề trước hết là phải xem lại mình, đầu tiên là về tinh thần y đức, tinh thần trách nhiệm với người bệnh". Tin rằng lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo làm rõ vụ việc, đại biểu Hà Nội này khẳng định, đích thân bà sẽ trao đổi với đoàn, với lãnh đạo Sở Y tế để đưa vấn đề ra nghị trường. Dù khẳng định ngành y tế còn rất nhiều cán bộ, bác sỹ, nhân viên tâm huyết, giỏi nghề, luôn lấy cứu người làm trọng và những “con sâu” chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng bà An cũng thẳng thắn nhìn nhận , với những vụ việc xảy ra thời gian qua thì y đức ở một số cán bộ trong ngành “có lẽ đã thấp tới cực điểm” Về vai trò của lãnh đạo Bộ Y tế, đại biểu An cho rằng, những tồn tại ngày nay không chỉ thuộc về Bộ trưởng đương nhiệm mà kéo dài từ nhiều thế hệ trước. Tuy nhiên, Bộ trưởng cần rà soát lại tất cả các cơ sở y tế để đánh giá lại thực trạng nguồn lực, cơ sở vật chất và đặc biệt là con người để có đánh giá toàn diện, từ đó mới đề ra các giải pháp có tính đột phá. Với góc nhìn của lãnh đạo công an, đại biểu Phạm Trường Dân, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, để xảy ra vụ việc "mất hết nhân tính" này chứng tỏ Sở Y tế Hà Nội làm không làm hết trách nhiệm. Theo ông, Sở Y tế Hà Nội phải nhận khuyết điểm chứ không phải cứ nói rằng không cấp phép là xong. "Nếu không cấp phép thì trong lĩnh vực quản lý của mình, Sở phải đi kiểm tra bởi Sở cũng có đầy đủ các phòng ban theo từng lĩnh vực và có cả lực lượng thanh tra y tế", đại biểu Dân nói. Trước đó, theo lời khai của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan công an, sáng 19/10 chị Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường do ông ta làm chủ ở số 45 đường Giải Phóng để hút mỡ bụng và nâng ngực. Sau nhiều tiếng phẫu thuật, đến 16h cùng ngày, thiếu phụ 39 tuổi nặng 49 kg thấy chóng mặt, người tím tái, sùi bọt mép và tử vong. Tối hôm đó, ông Tường cùng nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh bê nạn nhân ra ôtô chở đến cầu Thanh Trì vứt phi tang. Ông Tường là bác sĩ ngoại khoa tại Bệnh viện Bạch Mai, mở tiệm thẩm mỹ Cát Tường được khoảng 6 tháng. Cơ sở chưa được Sở Y tế cấp phép thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo Nguyễn Hưng (VNE)