Ngày 31-5, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.
ĐB Nguyễn Mai Bộ cho rằng Bộ trưởng cần đưa các giải pháp để những học sinh thi thật được vào học.
Sau bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đưa bảng lên xin tranh luận. Theo đó, vị ĐB cho rằng Bộ trưởng mới chỉ đi vào giải quyết những trường hợp được nâng điểm mà chưa có hành động đối với những thí sinh đã bị tuột mất cơ hội bởi sự cố gian lận này.
Ông đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT và các trường đã loại số thí sinh gian lận phải có giải pháp để công nhận, bù lại cho những thí sinh bị mất cơ hội.
“Chúng ta đã có trong tay số lượng bị loại ra thì hoàn toàn có thể tính được những thí sinh có nguyện vọng vào các trường này mà bị đánh trượt. Cần phải có giải pháp này để bảo đảm sự công bằng cho những thí sinh học thật, thi thật trong sự kiện gian lận lần này", ĐB An Giang nhấn mạnh.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), nhận định Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT có nói kỳ thi chung có một số bất cập và đang tìm cách khắc phục dần, nhưng từ khi tổ chức kỳ thi chung những bất cập luôn luôn có, hệ lụy ngày càng trầm trọng.
“Theo tôi, tích hợp hai kỳ thi và hai mục đích hoàn toàn khác nhau thì còn xảy ra hệ lụy khó lường. Riêng kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, đây là một quá trình học trải qua nhiều năm, khối lượng kiến thức lớn, nhiều môn. Nếu chỉ thi vài môn để tốt nghiệp không đủ đánh giá được cả quá trình học. Hơn nữa, mỗi đợt thi kết thúc môn, học sinh phải đạt điểm năm mới đạt yêu cầu.
Trong khi thi tốt nghiệp chỉ một điểm, tức không bị liệt và cộng với các môn lại mà trên năm điểm là đỗ tốt nghiệp. Như vậy, ở đây không có sự công bằng”, ĐB Dung nói và đề nghị việc tuyển sinh bậc đại học nên để cho các trường đại học làm và giao việc thi tốt nghiệp cho địa phương hoặc không cần thi.
Cùng quan điểm, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng không hoàn toàn kỳ thi hai chung đạt được một số kết quả như ngành giáo dục nói. Theo đó, ĐB đề nghị đánh giá, xem xét tác động việc thi hai chung. Đồng thời, đề nghị giao cho các trường đại học tự chủ tuyển sinh đại học.
Bệnh thành tích trong giáo dục theo vị ĐB là bệnh trầm kha, nó liên quan đến các bệnh thành tích khác không chỉ giáo dục, nhưng Bộ trưởng không đề cập đến vấn đề này. “Tôi đề nghị Bộ trưởng có thái độ dứt khoát để chấn hưng giáo dục nước nhà chứ không chỉ trách nhiệm chung chung như bộ trưởng nói…”, vị ĐB Cà Mau nhấn mạnh.