Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tiếp 5 công dân vụ cưa gỗ khô

Tại buổi làm việc, Đại biểu Nghĩa cho biết dù vụ án xảy ra ở tỉnh Kon Tum nhưng khi nhận được đơn của năm công dân thì Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM có chuyển đơn qua Ủy Ban Tư pháp Quốc hội nên mới có sự quan tâm tới vụ án.
Các Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao), Luật sư Lê Văn Hoan và Luật sư Nguyễn Thành Công (cùng Đoàn Luật sư TP.HCM) là người bào chữa miễn phí cho năm công dân cũng bổ sung thêm nhiều thông tin cần thiết về vụ án tới đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa sẽ có văn bản kiến nghị về vụ án. Ảnh: NGÂN NGA

Theo các Luật sư, ngày 1-6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm đã tuyên bố cả năm công dân không phạm tội trộm cắp tài sản. Thông qua báo chí, năm công dân mới biết ngày 26-7, TAND Tối cao đã ban hành kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm phải hủy bản án của TAND tỉnh Kon Tum để kết tội các công dân phạm tội trộm cắp tài sản.
Dù ở mục “nơi nhận” quyết định có tên năm công dân, nhưng đã hơn ba tháng TAND Tối cao vẫn không gửi. Chỉ đến khi họ phải làm đơn yêu cầu và báo chí lên tiếng thì lúc này thư ký TAND tỉnh Kon Tum mới đến tận nhà giao quyết định kháng nghị.
Cạnh đó, các Luật sư cũng khẳng định hành vi của năm công dân cưa cây gỗ trắc chết khô với khối lượng 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng trong rừng đặc dụng Đắk Uy là sai nhưng cái sai này chưa tới mức bị xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính. Bởi theo Thông tư 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao thì chỉ có thể xử lý tội trộm cắp nếu là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh. Còn ở đây là rừng đặc dụng (tức rừng tự nhiên) nên phải xử lý ở chương liên quan tới rừng.
Do đó, hành vi của năm công dân không cấu thành tội trộm cắp tài sản. Nếu xử lý họ thì chỉ có thể xem xét ở hành vi khai thác trái phép (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng), mà muốn xử tội này thì đòi hỏi phải khai thác trên 5m3. Vì thế, căn cứ Nghị định 157/2013 thì chỉ có thể xử phạt hành chính đối với năm công dân…
Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh còn cung cấp thông tin cho đại biểu Nghĩa rằng: “Năm công dân gửi đơn khiếu nại tới TAND Tối cao về quyết định kháng nghị của toà này, thay vì Chánh án phải trả lời thì toà Tối cao lại làm phiếu chuyển đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, như vậy là không đúng quy định. Cạnh đó, khi bị giải trình trước Uỷ ban Tư pháp thì Phó Chánh án TAND Tối cao đã viện dẫn không đúng quy định pháp luật nhưng rất tiếc là cho tới nay chúng tôi vẫn chưa biết kết quả ra sao”.
Luật sư Lê Văn Hoan tiếp lời Luật sư Vinh: “Chúng tôi đã đăng ký gặp lãnh đạo TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cả tháng rồi nhưng mới chỉ có VKS tiếp”.
Kết thúc buổi làm việc, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói: “Vụ án đã đưa ra Uỷ ban Tư pháp, lãnh đạo Toà Tối cao phải giải trình tới lui và báo chí cũng phản ánh nhiều. Các công dân bức xúc nên đã cùng với các Luật sư lên gặp tôi trình bày, trong những trường hợp khác chúng tôi hay chuyển đơn vì các cơ quan chức năng đang giải quyết.
Tuy nhiên, trong vụ này chúng tôi đã từng nêu tại Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do đó tôi sẽ tiếp tục trao đổi thêm với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu (nguyên Chánh toà Hình sự TAND TP.HCM) rồi có văn bản kiến nghị về vụ án”.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thị Thu Tâm thay mặt nhiều Luật sư để trao số tiền 30 triệu đồng hỗ trợ cho năm công dân. Ảnh: NGÂN NGA

Cũng trong ngày 18-1, năm công dân cùng với các Luật sư đã ghé thăm báo Pháp Luật TP.HCM để cảm ơn Báo đã phản ánh nhiều bài viết về vụ án trong suốt hai năm qua.
Bà Nguyễn Thị Thu Tâm (Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM) đã thay mặt các Luật sư của năm công dân cùng với nhiều Luật sư khác trao số tiền 30 triệu đồng để hỗ trợ cho vợ anh Nguyễn Văn Bảy chuẩn bị sinh và cho các anh có chi phí đi lại.

Năm công dân cùng với hai Luật sư cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã đấu tranh trong suốt hai năm qua. Ảnh: NGÂN NGA

Kháng nghị của Toà Tối cao không nêu được căn cứ pháp luật

Như Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, anh Phan Tiến Dũng là kiểm lâm. Tháng 4-2016, anh Lê Quốc Khánh xin anh Dũng vào rừng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô. Cả nể vì anh Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp, anh Dũng đồng ý. Hôm sau, anh Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Khúc gỗ các bị cáo lấy là 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng).

Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Sau đó, TAND tỉnh Kon Tum xử hủy bản án này. Tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm (lần hai) vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù. Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần hai) đã tuyên cả năm bị cáo không phạm tội.

Ngày 26-7, TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Nội dung kháng nghị này không nêu ra được những căn cứ pháp lý để xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản.

Đầu tháng 9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga yêu cầu chánh án TAND Tối cao giải trình về vụ án. Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du đã giải trình nhưng viện dẫn không đúng quy định pháp luật đối với hành vi của năm công dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới