Bởi lẽ năm người này từng được tuyên vô tội, nay bị kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng có tội nhưng họ lại chỉ được nghe thông tin ấy qua báo chí vì chưa ai gửi QĐ kháng nghị cho họ.
Lật lại quy định, Điều 380 BLTTHS 2015 có nội dung sau: QĐ kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi ngay cho tòa án đã ra bản án, QĐ đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, người bị kết án, những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị...
Luật quy định khá rõ về quyền, nghĩa vụ của cơ quan kháng nghị giám đốc thẩm và những đối tượng bị tác động bởi QĐ kháng nghị ấy nhưng lại không nêu rõ thời gian cụ thể để gửi QĐ này. “Gửi ngay” là gửi khi nào, trong vòng bao nhiêu ngày thì không có hướng dẫn cụ thể.
Đến nay năm công dân vẫn chưa nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Ảnh: N.NGA
Thế nên mới có chuyện QĐ kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao được ban hành từ hơn ba tháng trước nhưng đến nay năm công dân vẫn chưa nhận được dù trong mục “Nơi nhận” của QĐ có ghi rõ tên của họ. Vì sốt ruột và lo cho số phận pháp lý của mình, họ phải lên tiếng “đòi” TAND Tối cao gửi QĐ kháng nghị cho mình. Họ đã gửi đơn tới TAND Tối cao yêu cầu được cung cấp QĐ kháng nghị nhưng chỉ nhận được thông báo của tòa này rằng đã nhận được đơn của họ.
Cần lưu ý rằng trong vụ án, họ bị kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng có tội, nghĩa là việc họ có tội hay không đang treo lơ lửng. Hơn ai hết, họ cần phải “mục sở thị” QĐ này để còn nghiên cứu nội dung nhằm chuẩn bị thực hiện quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Bốn luật sư bào chữa miễn phí cho họ cũng hơn ai hết mong có được QĐ kháng nghị trong tay để nghiên cứu và xin được tham gia phiên tòa giám đốc thẩm sắp tới nhằm bảo vệ thân chủ.
Cần thấy rằng từ việc quy định chung chung đến việc TAND Tối cao “quên” gửi QĐ kháng nghị có quan hệ nhân quả với nhau chứ không phải ngẫu nhiên. Việc này không chỉ xem là vi phạm tố tụng nghiêm trọng mà còn xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự liên quan.
Tương tự, câu chuyện anh thợ điện ở TP Cần Thơ đem 100 USD đến Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực) đổi, để rồi cả anh này và chủ tiệm vàng đều bị xử phạt là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất những ngày qua. Trong câu chuyện này, người ta bàn nhiều đến việc chính quyền TP Cần Thơ xác lập chứng cứ đúng hay sai trước khi ra QĐ xử phạt hành chính chủ tiệm vàng và anh thợ điện.
Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) quy định khi phát hiện VPHC thì người thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản về VPHC(trừ trường hợp phạt tại chỗ ở mức cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức theo khoản 1 Điều 56 luật này). Thế nhưng không ai rõ “kịp thời” ở đây là trong thời gian bao nhiêu giờ, trong vòng nửa ngày, một ngày hay một tháng...?
Thực tế, Công an TP Cần Thơ đã phát hiện việc anh thợ điện mang tờ 100 USD đến tiệm vàng Thảo Lực đổi vào ngày 30-1 nhưng không lập biên bản VPHC vào thời điểm này mà đến ngày 13-8 (tức gần tám tháng sau) mới lập biên bản. Đặc biệt hơn, sau khi không thể khởi tố hình sự chủ tiệm vàng về tội trốn thuế, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã ký QĐ không khởi tố rồi chuyển hồ sơ để ngày 4-9 UBND TP ban hành QĐ xử phạt hành chính chủ tiệm vàng và anh thợ điện. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng QĐ xử phạt hành chính dựa trên biên bản lập từ ngày 13-8 là không phù hợp với trình tự, thủ tục ban hành.
Rõ ràng luật quy định phải kịp thời lập biên bản khi phát hiện cá nhân hoặc tổ chức có hành vi VPHC, mà cơ quan áp dụng để đến gần tám tháng sau mới lập biên bản là rất không phù hợp. Tuy nhiên, điều cần phải nói hơn là việc phải lập biên bản VPHC một cách “kịp thời” là như thế nào thì vẫn không ai rõ. Các văn bản pháp luật hướng dẫn về việc thi hành Luật Xử lý VPHC cũng không có hướng dẫn cụ thể về chuyện này.
Đã đến lúc những quy định mang tính “định tính” chứ không phải “định lượng” như “gửi ngay” hay “kịp thời” cần phải được sửa chữa, bổ sung nhằm tránh tình trạng tùy tiện, muốn áp dụng sao cũng được.
Luật sư PHẠM CÔNG HÙNG, cựu thẩm phán TAND Tối cao