Chiều 9-11, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Đinh Phước Hòa (Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra I, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) cho biết trước đây TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã lên lịch xử giám đốc thẩm vụ cưa gỗ khô tại Kon Tum trong tháng 10, tuy nhiên sau đó đã phải hoãn do “vụ án phức tạp” và “còn có nhiều vấn đề”.
Có thể xử trong tháng 12
Về thời gian dự kiến mở phiên xử, ông Hòa nói: “Cái này thuộc thẩm quyền của chánh án, chúng tôi cũng chưa biết được. Vụ này phức tạp nên không vội được. Tháng 11 chắc chưa xử, khả năng là phải sang tháng 12”.
Cũng theo ông Hòa, do vụ án phức tạp nên thành phần HĐXX tiến hành phiên xử giám đốc thẩm có thể sẽ là toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao. “Chánh án có thể quyết định ủy ban ba người hoặc ủy ban toàn thể. Nhưng theo phán đoán của cá nhân tôi, đối với vụ án mà dư luận chú ý này, có thể chánh án sẽ quyết định ủy ban toàn thể” - ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng cho biết TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã nhận được đơn xin tham gia phiên xử giám đốc thẩm của các luật sư bào chữa cho năm công dân trong vụ án. “Khi nào có lịch xử cụ thể thì chúng tôi sẽ gửi giấy mời họ tham dự” - ông Hòa nói.
Về việc đã hơn ba tháng qua kể từ ngày có kháng nghị giám đốc thẩm nhưng năm công dân trong vụ án vẫn chưa nhận được quyết định kháng nghị, ông Hòa cho biết việc này không thuộc trách nhiệm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng: “Khi TAND Tối cao ban hành kháng nghị thì phải gửi cho các đương sự, bị cáo, trong quyết định kháng nghị bao giờ cũng có các đương sự, bị cáo rồi. Còn chúng tôi chỉ biết là khi TAND Tối cao kháng nghị xong thì chuyển quyết định kháng nghị, chuyển hồ sơ về”.
Về vấn đề trên, chúng tôi cũng đã liên hệ lãnh đạo TAND Tối cao để tìm hiểu nhưng chưa được trả lời.
Cho đến nay, năm công dân vụ cưa gỗ khô vẫn chưa nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Ảnh: N.NGA
Vi phạm tố tụng, gây bất lợi cho năm công dân
Xung quanh vụ việc này, nhiều bạn đọc thắc mắc: BLTTHS quy định sao về thẩm quyền, trách nhiệm và thời hạn tống đạt quyết định kháng nghị giám đốc thẩm? Nếu những người tham gia tố tụng không nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thì có bị thiệt thòi gì không?
Một vụ cưa gỗ rừng đặc dụng, tòa xử tội khác Gần đây, TAND tỉnh Kon Tum đã mở phiên xử sơ thẩm đối với Vũ Văn Toàn và đồng phạm về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng (Điều 175 BLHS 1999). Sau đó, tòa trả hồ sơ để điều tra làm rõ một số tình tiết liên quan đến nhân thân của các bị cáo… Theo hồ sơ, cuối năm 2016, Toàn cùng nhóm người của mình thống nhất tìm thợ cưa vào Vườn quốc gia Chư Mom Ray nhằm khai thác gỗ để bán lấy tiền. Nhóm của Toàn đã có hành vi khai thác trái phép hơn 55 m3 gỗ quy tròn. Tháng 2-2018, VKSND tỉnh Kon Tum đã truy tố nhóm của Toàn về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. |
ông Nguyễn Văn Phước, nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Điều 380 BLTTHS 2015 quy định quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi ngay cho tòa án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, người bị kết án, những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị. Trường hợp chánh án TAND Tối cao kháng nghị thì quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án phải gửi ngay cho tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm...
Trong vụ này, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao đã thể hiện rõ trong mục “Nơi nhận” có tên của năm công dân. Vì vậy, TAND Tối cao, cơ quan ban hành kháng nghị, phải có trách nhiệm gửi ngay quyết định kháng nghị cho họ. “Quyết định kháng nghị được ban hành từ hơn ba tháng trước mà đến nay năm công dân vẫn chưa nhận được nghĩa là TAND Tối cao đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng” - ông Phước nhận xét.
Đáng chú ý, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử năm công dân theo hướng có tội. Nếu TAND Cấp cao chấp nhận kháng nghị thì năm công dân từng được tuyên không phạm tội sẽ trở thành có tội và bản án giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay. Do đó, năm công dân cần phải có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm trong tay để còn nghiên cứu nội dung nhằm chuẩn bị thực hiện quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình.
Đồng tình, luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) và LS Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa) cũng cho rằng nếu TAND Tối cao “quên” gửi kháng nghị cho năm công dân thì đây được xem là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. “TAND Tối cao cần phải sớm gửi quyết định kháng nghị cho năm công dân để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật định” - LS Hồng Hà nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ TAND Tối cao và thông tin tới bạn đọc.
Bất ngờ bị kháng nghị có tội Như Pháp Luật TP.HCM nhiều lần phản ánh, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4-2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô. Cả nể vì Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp, Dũng đồng ý. Hôm sau, Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Khúc gỗ các bị cáo lấy là 0,123 m3(trị giá hơn 19 triệu đồng). Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3-2017, TAND tỉnh Kon Tum hủy án sơ thẩm. Tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm (lần hai) vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần hai) đã tuyên năm bị cáo không phạm tội. HĐXX nhận định theo Thông tư liên tịch số 19/2007, chỉ có thể xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản khi cây gỗ trắc các bị cáo cưa thuộc rừng trồng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh. Tuy nhiên, rừng Đắk Uy nơi các bị cáo cưa gỗ trắc là rừng đặc dụng nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội trộm cắp tài sản là không có căn cứ pháp lý. Ngoài ra, nếu xem xét xử lý các bị cáo về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng thì theo Nghị định 157/2013, các bị cáo lấy khúc gỗ chỉ 0,123 m3 (dưới 5 m3) nên chưa đủ định lượng để khởi tố, chỉ có thể phạt hành chính. Năm công dân bị oan yêu cầu được xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, ngày 26-7, chánh án TAND Tối cao đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đáng chú ý, nội dung quyết định này không nêu ra được những căn cứ pháp lý để xử các bị cáo về tội trộm cắp tài sản. |