Đại dịch tôm tạp chất - Bài 2: Cản ngại từ các doanh nghiệp

Mấy tháng gần đây, nhiều công ty chế biến xuất nhập khẩu thủy hải sản đồng bằng sông Cửu Long đã treo biển tuyển lao động với số lượng lớn. Trong khi đó, theo thống kê của cơ quan chức năng, lượng tôm nguyên liệu trên cả nước đang bị giảm sản lượng do đại hạn. Theo tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), ngay cả trong thời điểm nguồn tôm nguyên liệu dồi dào nhất vẫn chỉ đáp ứng được 50% công suất tối đa của các nhà máy.

Công nhân bỏ nhà máy đi chích tôm

Ông Nguyễn Việt Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy hải sản Phú Cường giải thích: “Do công nhân đang chạy sang các xưởng sơ chế, các xưởng bơm tạp chất. Ở đó họ được trả bình quân 100.000 đồng/ngày trong khi các công ty chỉ có thể trả từ 60.000 đến 70.000 đồng”. Ông Hồ Minh Bạch, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm thủy sản Minh Bạch (Bạc Liêu), cho biết mấy tháng qua, mỗi tháng ông bị mất hàng chục công nhân vì họ chạy sang các lò sơ chế, bơm tạp chất.

Chị H. ở chợ Láng Tròn, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai e dè kể chuyện bơm tạp chất: “Công việc thật đơn giản, chỉ cầm ống chích, hút rau câu vào rồi chích vào con tôm sú. Nếu tôm lớn, chích nhanh thì được trả công 500 đồng/kg, nếu tôm nhỏ, chích tốn nhiều thời gian hơn thì được trả 1.000 đồng/kg. Mỗi ngày tôi làm được cả trăm ngàn đồng. Vào con nước, tôm nhiều, tôi làm đến đêm, thu nhập 150.000 đồng. Sau đó tôi xin cho con gái tôi theo làm. Hai mẹ con đi làm, mỗi tháng thu nhập không dưới 5 triệu đồng”. Chị thú thật: “Cả nhà sống nhờ công việc bơm tôm tạp chất. Nếu nhà nước dẹp thì không biết tính sao!”.

Đại dịch tôm tạp chất - Bài 2: Cản ngại từ các doanh nghiệp ảnh 1

Vì tuyên bố không mua tôm tạp chất, Công ty Minh Bạch đã phải chịu cảnh vắng lặng, đìu hiu như thế này hơn một tháng qua. Ảnh: TRẦN VŨ

Ông Trần Văn Lịch, ấp Lung Xình, xã Định Thành, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu có con trai làm thương lái tôm. Ông nói: “Cũng tại mấy ông công ty mua tôm tạp chất thì tụi nó mới chích rau câu vào. Ai cũng làm vậy, nó không làm thì sao mua được tôm của nông dân?”.

Không chấp nhận tạp chất, không có tôm

Ngày 5-6 là ngày thứ 15 Công ty TNHH thực phẩm thủy sản Minh Bạch ủng hộ chiến dịch mới chống tạp chất của Bộ NN&PTNT. Khung cảnh công ty buồn bã, vắng lặng. Giám đốc ông Hồ Minh Bạch, cho biết: “Nửa tháng qua, bình quân mỗi ngày công ty chỉ có được 500 kg tôm sú nguyên liệu để chế biến. Trước đây mỗi ngày chúng tôi luôn có ít nhất 5 tấn nguyên liệu”. Hệ thống đại lý đã từ bỏ công ty từ khi ông tuyên bố không thu mua tôm chứa tạp chất.

Ngày 21-5, ông Bạch nhận được thông điệp của Bộ NN&PTNT tiếp tục cuộc kêu gọi nói không với tôm chứa tạp chất. Lần này ngoài vận động, Bộ còn ràng buộc trách nhiệm. Bộ đã quy định công ty sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với lô tôm chứa tạp chất thuộc khu vực khuôn viên đơn vị mình. Ông Bạch gửi văn bản thông báo cho tất cả các đại lý với nội dung tuyệt đối không nhận tôm chứa tạp chất.

Chỉ qua hôm sau, không một đại lý nào bán tôm cho ông. Ông gọi điện thoại hỏi, họ trả lời rằng không có tôm, kể cả đại lý là bạn hàng lâu năm.

Ông Bạch như ngồi trên lửa khi thấy trên 200 công nhân sáng nào cũng tụm năm tụm bảy chờ việc nhưng ông quyết tâm không thay đổi quan điểm. Ông chờ đợi các công ty cố tình vi phạm bị phạt nặng, bị rút phép kinh doanh, bị công khai tên vì mua tôm tạp chất… như quy định của Bộ NN&PTNT.

Đại dịch tôm tạp chất - Bài 2: Cản ngại từ các doanh nghiệp ảnh 2

Một số ít công ty chế biến xuất khẩu thủy sản nỗ lực cùng chống tôm tạp chất nhiều năm qua nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả. Ảnh: TRẦN VŨ

Quả nhiên ngày 31-5, Quản lý thị trường Bạc Liêu bắt quả tang một vụ đang bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu tại huyện Đông Hải (Bạc Liêu) với số lượng 250 kg. Phía Cà Mau cũng bắt được một vụ gần 100 kg. Ngày 8-6, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) công bố phát hiện ba đơn vị mua bán tôm tạp chất. “Rõ ràng nhiều công ty vẫn mua tôm tạp chất khi những quy định mới của Bộ NN&PTNT đang còn nóng bỏng. Đó chính là lý do hệ thống đại lý đã bỏ tôi ra đi mà không cần phải từ giã” - ông Bạch bức xúc.

Mong đội đặc nhiệm thành lập

Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, nhận định: “Cũng như những lần trước đây, tháng đầu tiên phát động chiến dịch, tình hình tôm tạp chất có biểu hiện giảm đi rõ rệt. Nhưng hiện vẫn còn quá nhiều yếu tố, điều kiện thuận lợi để người ta kinh doanh mua bán tôm tạp chất”.

Theo ông Nhận, nguyên nhân cơ bản là khan hiếm nguyên liệu tôm sú. Hiện nay tổng công suất, năng lực chế biến tôm của hệ thống nhà máy chế biến tại Việt Nam cao gấp đôi so với nguồn tôm nguyên liệu trong cả nước. Để có nguyên liệu sản xuất, một số doanh nghiệp chấp nhận mạo hiểm mua tôm tạp chất vì tư lợi.

Đại dịch tôm tạp chất - Bài 2: Cản ngại từ các doanh nghiệp ảnh 3

Khi chiến dịch mới phát động, một số công ty ở Cà Mau đã nỗ lực hưởng ứng nhưng chỉ sau 1-2 tháng, tôm tạp chất tràn lan trở lại. Ảnh: TRẦN VŨ

Ông Tôn Mạnh Tiến, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, cho biết: “Người dân và chính quyền địa phương nơi có các tụ điểm bơm chích tạp chất không ủng hộ cơ quan chức năng chống tôm tạp chất. Tại Cà Mau, có một lần anh em làm nhiệm vụ đột nhập vào tụ điểm bơm chích tạp chất ở huyện Trần Văn Thời vào ban đêm. Chủ nhà cho cúp điện và các anh em bị đánh một trận tơi tả”. Ông kể tiếp: “Lần nào đi làm nhiệm vụ cũng bị chửi đổng”. Họ chửi rằng: “Cứ đè thằng vựa tôm mà bắt, có giỏi thì đi bắt thằng công ty đi!”. Cái gốc của vấn đề là ở các công ty trực tiếp chế biến, xuất khẩu thủy hải sản. Nếu tất cả đều không mua thì không ai dám bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu”.

Trước đó, ngày 20-5, tại cuộc họp bàn các biện pháp chống tôm tạp chất tổ chức tại Cà Mau, Bộ NN&PTNT đã nhất trí thành lập đội đặc nhiệm chống tôm tạp chất khu vực bốn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang. Với quyền kiểm tra bất thường các đơn vị chế biến, xuất khẩu thủy sản, đội đặc nhiệm sẽ thực hiện chức năng thu thập chứng cứ đủ để đóng cửa các đơn vị chế biến xuất khẩu thủy sản cố tình sống chung với tôm tạp chất.

“Đội đặc nhiệm được thành lập sẽ là một cơ hội để bài trừ tận gốc vấn nạn tôm tạp chất. Tuy nhiên, việc làm này phải được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, nếu chỉ làm mạnh ở bốn tỉnh này thì tôm tạp chất vẫn có đường sống tốt” - ông Tiến khẳng định.

Mua đắt, bán rẻ vẫn lời

Nhiều thương lái khẳng định mua tôm của nông dân giá cao hơn giá mà họ bán lại cho đại lý, các xí nghiệp, công ty xuất khẩu khoảng 20.000 đồng/kg. Con tôm sú sau khi bị bơm tạp chất vào sẽ tăng trọng lượng từ 5% đến thậm chí 25%. Do vậy mua của nông dân 10 kg, đại lý sẽ biến nó thành 12,5 kg. Mà 12,5 kg này đã được thay đổi cỡ nhờ tạp chất, từ cỡ 30 con/kg còn 25 con/kg, giá cao hơn đến hơn 10.000 đồng/kg.

Có thể bị rút giấy phép

Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29-3-2010 cho phép rút giấy phép kinh doanh, đình chỉ hiệu lực công nhận về an toàn thực phẩm từ 6 đến 12 tháng đối với đơn vị chế biến thủy hải sản vi phạm hành vi mua bán, chế biến tôm tạp chất. Điều kiện để thực hiện chế tài này là cơ sở bị phát hiện tái phạm việc thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh thủy sản có tạp chất; hoặc tái phạm hành vi thuê, mướn và tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản; hoặc bị phát hiện nhiều lần kinh doanh thủy sản tạp chất.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm