Đại dịch và tương lai quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc

Hãng tin Reuters ngày 28-4 dẫn nguồn tin mật cho biết một phái đoàn chuyên trách kinh tế của Triều Tiên sẽ đến Bắc Kinh trong tuần này để hội đàm với Bộ Thương mại Trung Quốc (TQ) về các vấn đề liên quan tới thương mại.

Chuyến thăm cũng dự kiến sẽ tiếp nối các chuỗi đàm phán thời gian qua xung quanh khả năng mở lại giao thương biên giới Trung-Triều trong bối cảnh dịch COVID-19 làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng lương thực hai nước.

Cơ hội cho Bắc Kinh

Lâu nay, TQ luôn là đồng minh và đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên. Tờ South China Morning Post dẫn thống kê mới nhất cho thấy kim ngạch xuất khẩu Trung-Triều nửa đầu năm 2019 đạt mức 1,25 tỉ USD. Mối quan hệ này lại càng được siết chặt hơn giai đoạn diễn ra hai kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều. Đến tháng 12-2019, vẫn là TQ và Nga là hai nước duy nhất lên tiếng kêu gọi Washington nới lỏng trừng phạt Bình Nhưỡng.

Hiện tại, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, dù chưa có thông tin chính thức về mức thiệt hại của nền kinh tế Triều Tiên nhưng hầu hết các chuyên gia đều đồng ý con số này chắc chắn sẽ không nhỏ nếu so với mức tổn thất của các nước trong khu vực.

Theo tạp chí Foreign Policy, những tác động trên nhiều khả năng sẽ tạo ra cơ hội hiếm thấy để Bắc Kinh mở rộng thêm ảnh hưởng vốn dĩ đã rất lớn lên chính quyền Bình Nhưỡng, đặc biệt là khi tương lai của Triều Tiên đang được lên bàn cân vì sự biến mất bất ngờ của ông Kim. Tình hình an ninh khu vực Đông Á hiện nay nhìn chung khá thuận lợi cho Bắc Kinh.

Ở Hàn Quốc, chiến thắng áp đảo của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in đảm bảo cho đại lục một Seoul không quá cứng rắn trước các chính sách của mình. Nhật Bản lại đang phải chật vật với diễn biến dịch trong nước nên nhiều khả năng sẽ không đủ nguồn lực để phản đối bất kỳ bước đi chính trị nào sắp tới của TQ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đón tiếp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 1-2019. Ảnh: REUTERS

Chiến lược của Trung Quốc với Triều Tiên

Thời gian tới, có thể đại lục sẽ đẩy mạnh đầu tư vào nền kinh tế Triều Tiên nhằm tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ của nước này để tăng cường cho nền sản xuất vật tư y tế đang phát triển rất nhanh.

Được biết, South China Morning Post hồi tháng 3-2020 ghi nhận dù hai nước trên danh nghĩa đã đóng cửa biên giới với nhau nhưng các chuyến tàu hàng chở vật liệu (ở đây là hàng may mặc như quần áo, khẩu trang và đồ bảo hộ y tế) vẫn được bí mật chuyển từ TP biên giới Đan Đông của TQ đến các nhà máy đặt ở TP Sinuiju của Triều Tiên. Sau khi gia công thì hàng sẽ được chuyển ngược về đại lục để đóng nhãn mác TQ và đưa đi tiêu thụ hoặc viện trợ. Theo cách này, doanh nghiệp TQ được cho là có thể tiết kiệm đến 75% chi phí sản xuất trong khi năng suất không bị ảnh hưởng.

Chiến lược ngoại giao y tế đang được TQ triển khai trên toàn thế giới cũng đang được triển khai ở Triều Tiên. Cụ thể, Reuters cho biết sắp tới Bắc Kinh sẽ viện trợ khẩn cấp một số lượng lớn các mặt hàng như nhu yếu phẩm và trang thiết bị y tế cho Triều Tiên.

Tạp chí Foreign Policy đánh giá nếu Bắc Kinh tận dụng tốt lợi thế này, TQ sẽ có khả năng tác động lên quan điểm của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng về hai vấn đề gai góc: Cải cách kinh tế và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ở vấn đề đầu tiên, dù cả hai nước đều sẽ cùng hưởng lợi nếu như Triều Tiên chấp nhận cải cách kinh tế theo mô hình của TQ, Bình Nhưỡng lâu nay vẫn chứng tỏ họ là một thế lực độc lập khỏi các ảnh hưởng bên ngoài. Do đó, mặc cho TQ là đồng minh hàng đầu nhưng Triều Tiên vẫn còn ít nhiều lo ngại về ý định thực sự của Bắc Kinh. Sức càn quét của dịch COVID-19 cộng với các đợt viện trợ của TQ sẽ giúp đẩy nhanh quá trình này một khi thiệt hại kinh tế chạm đến ngưỡng nguy hiểm. Một Triều Tiên theo mô hình TQ là một chỗ dựa vững chắc cho tương lai hậu đại dịch nơi mà nhiều chuyên gia cảnh báo là sẽ mở màn bằng mức độ phân ly ngày càng lớn giữa hai hệ thống kinh tế Mỹ-Trung.

Về vấn đề thứ hai, TQ, giống như Mỹ, luôn muốn một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa để đảm bảo an ninh và hòa bình khu vực và đảm bảo Triều Tiên luôn nằm trong vòng ảnh hưởng của mình. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình Mỹ, Triều Tiên trong mắt của lãnh đạo Bắc Kinh chỉ thật sự duy trì được tính tự chủ chừng nào nước này còn sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều quan trọng là ai sẽ là bên thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ con đường này. TQ đánh giá nếu Mỹ là bên thành công thì sẽ mở đường Washington tiến tới mở rộng sức mạnh quân sự trong khu vực. Dù vậy, với quan hệ Mỹ-Triều đang trong tình trạng căng thẳng thời gian gần đây, TQ được cho là khá tự tin trong cuộc đua này.

Hàn Quốc: Ông Kim vẫn đang làm việc bình thường

Ngày 29-4, hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin thuộc các cơ quan quốc phòng và tình báo Hàn Quốc khẳng định Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hiện vẫn đang làm việc và lãnh đạo đất nước “như bình thường”.

Một ngày trước đó, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul cũng đưa ra đánh giá tương tự trong phiên làm việc với Quốc hội nước này, đồng thời nhấn mạnh các thông tin về tình hình sức khỏe của ông Kim đến nay là không đáng tin cậy. Yonhap nhận định việc tình báo phương Tây có thông tin sai về Triều Tiên xảy ra rất thường xuyên vì đặc điểm khép kín và bảo mật cao của quốc gia này.

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) hồi tháng 2 từng cảnh báo Triều Tiên cần kiểm soát tốt COVID-19 nếu không muốn đối mặt với tình trạng an ninh lương thực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới