Sức khỏe ông Kim Jong-un và tương lai Triều Tiên

Sức khỏe của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đang là chủ đề được bàn luận trên khắp các phương tiện truyền thông. Dĩ nhiên, người nắm rõ nhất thông tin chỉ có thể là các nhân viên thân tín nhất của ông Kim. Dù vậy, việc người đứng đầu Bình Nhưỡng sẽ xuất hiện trở lại như thế nào đều sẽ có sức ảnh hưởng lớn tới bộ mặt của Triều Tiên trong thời gian tới, theo tạp chí Foreign Policy.

Ông Kim trở lại khỏe mạnh

Kịch bản khả dĩ nhất là sau quãng thời gian ở ẩn, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ trở lại và tiếp tục nắm vai trò lãnh đạo đất nước. Washington và Seoul sẽ lại quay về sách lược đối phó với Triều Tiên như trước và tìm cách thúc đẩy đàm phán hạt nhân.

Theo các nhà phân tích, nếu hai bên tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn và theo đuổi toan tính lợi ích riêng, cũng như sự nghi kỵ lẫn nhau thì quan hệ Mỹ-Triều thời gian tới sẽ vẫn còn nhiều trắc trở.

GS Bonnie Kristian thuộc ĐH Harvard (Mỹ) nhận xét ngoại giao Mỹ-Triều chỉ có thể mang lại hiệu quả nếu Bình Nhưỡng chấp nhận lời đề nghị gần đây nhất của phía Mỹ nhưng quan trọng là Washington cũng nên thực tế hơn trong các yêu cầu của mình. Cụ thể, việc Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược (CVID) là một yêu cầu không thể thực hiện trong ngắn hạn. Cũng chính vì Triều Tiên kiên quyết không chấp nhận thực hiện CVID trong ngắn hạn nên đã khiến các vòng đàm phán gần đây của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại ngay “từ trong trứng nước”.

Về phía Triều Tiên, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song từng nói thẳng rằng trong tương lai gần, phi hạt nhân hóa khó có thể đạt được. Truyền thông nhà nước Triều Tiên trước đó cũng cho biết ông Kim Jong-un từng nói rằng vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để đảm bảo an ninh nhằm chống lại sự can thiệp của quân đội nước ngoài.

Vì vậy, giới chuyên gia lo ngại tình hình Triều Tiên trở nên khó khăn. Thay vì bước vào giai đoạn ngoại giao mới thực chất, tình hình Triều Tiên có nguy cơ quay về leo thang căng thẳng như năm 2017. Các nhà ngoại giao Mỹ phớt lờ các mục tiêu ngoại giao như đồng ý một hiệp ước hòa bình nhằm chính thức hóa việc kết thúc chiến tranh Triều Tiên, cải thiện quan hệ liên Triều hoặc từng bước bình thường hóa môi trường chính trị trong và ngoài Triều Tiên.

Tương lai Triều Tiên sắp tới ít nhiều phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.  Ảnh minh họa: AFP

Ông Kim giảm sức ảnh hưởng chính trường

Trong trường hợp ông Kim Jong-un vì lý do nào đó giảm sức ảnh hưởng lên chính trường Triều Tiên, nhường quyền hành cho một người kế vị thì nhiều giả thiết đang nghiêng về ứng viên sáng giá nhất là em gái của ông - bà Kim Yo-jong.

Về em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên, bà là một trong những cố vấn thân cận nhất của chủ tịch đương nhiệm. Người phụ nữ quyền lực này từng tháp tùng Chủ tịch Kim tham gia các hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Tại Thế vận hội mùa đông năm 2018 ở Hàn Quốc, bà Kim xuất hiện nổi bật giữa dàn lãnh đạo Triều Tiên. Quan trọng hơn là trong chuyến đi này, bà Kim đảm nhận vai trò đặc phái viên, mang trên người trọng trách thúc đẩy quan hệ ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên.

Hãng tin Bloomberg mới đây khẳng định tình báo Mỹ đang tăng cường thu thập tin tình báo về bà Kim Yo-jong do nghi ngờ khả năng bà sẽ trở thành nhân vật có ảnh hưởng lớn tiếp theo ở Bình Nhưỡng. 

Với những đóng góp to lớn, bà Kim vươn lên trở thành nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng rất quan trọng ở chính quyền Bình Nhưỡng. Mặc dù vậy, vẫn có sự hoài nghi về khả năng vươn lên của nữ chính trị gia này trong bối cảnh vị thế người phụ nữ tại Triều Tiên thường gặp nhiều thách thức. Mặt khác, giới quan sát vẫn đang tìm hiểu liệu quan điểm chính trị của bà Kim Yo-jong có gì khác biệt so với người anh Kim Jong-un cứng rắn của bà. Đây là một ẩn số khó giải đáp bởi đến nay thông tin về khả năng lãnh đạo của bà rất ít ỏi cũng như việc bà Kim rất kiệm lời với giới truyền thông. Hồi còn niên thiếu, bà từng học tại một ngôi trường ở Thuỵ Sĩ với anh trai nhưng sau đó lại về Triều Tiên học đại học. Do đó, khó có thể nói bà có quan điểm thân thiện với phương Tây hay không.

Nhìn chung, giới quan sát nhận định có thể bà Kim sẽ tiếp nối di sản của anh trai từ đường lối lãnh đạo đến quan điểm cứng rắn về Mỹ, Hàn Quốc trong trường hợp ông Kim gặp khó khăn. Dẫu vậy, những hoạt động gần đây cho thấy có thể bà Kim ít nhiều có lập trường thân thiện với Hàn Quốc. Do đó, tương lai về một bán đảo Triều Tiên nhiều khả năng sẽ trở nên sáng sủa hơn nếu bà lãnh đạo.

Ngoài em gái Kim Yo-jong, ông Kim Jong-un còn có một anh trai tên là Kim Jong-chul, người được xem là rất ít tham gia các hoạt động chính trị của đất nước. Cũng có lẽ vì thế mà trước khi cố lãnh đạo Kim Jong-il mất, ông Kim Jong-chul không kế thừa sự nghiệp của cha mình, lãnh đạo đất nước Triều Tiên.

Hàn Quốc: Có thể ông Kim Jong-un đi tránh dịch

Hôm 28-4, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul trong phiên làm việc với một số nghị sĩ Hàn Quốc nhận định nhiều khả năng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vắng bóng thời gian qua do lo ngại về tình hình đại dịch COVID-19 chứ không phải do ông Kim bệnh, hãng tin Yonhap cho hay.

Giới chức Seoul cũng nhấn mạnh họ không phát hiện động thái bất thường nào ở Triều Tiên và đã cảnh báo các nước khác thận trọng khi tiếp nhận các nguồn tin về tình hình sức khỏe của ông Kim Jong-un.

Một nguồn tin nội bộ của tình báo Mỹ hôm 27-4 trước đó cũng xác nhận hoàn toàn có khả năng ông Kim Jong-un ở ẩn để tránh lây nhiễm COVID-19. Được biết, Triều Tiên đến nay chưa có bệnh nhân hay ca tử vong nào nhưng nước này vẫn hủy một số sự kiện lớn để đề phòng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm