Tiền thân của Đại Đoàn Kết là báo Cứu Quốc do chính các nhà cách mạng tiền bối của Đảng trực tiếp phụ trách như Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Xuân Thủy với sứ mệnh thiêng liêng là tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết đứng lên cứu nước ở thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến.
Ông Nguyễn Thiện Nhân (phải) trao bức trướng cho Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Cứu Quốc là tờ báo đầu tiên đăng nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Báo Cứu Quốc cũng vinh dự được đăng những bài báo đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám của Bác Hồ. Kể từ đó cho tới năm 1955, Bác Hồ đã viết và gửi đăng trên Cứu Quốc khoảng 400 bài với nhiều bút danh khác nhau.
Ghi nhận những thành tựu của báo Đại Đoàn Kết trong 75 năm qua, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam, nói: “Báo Đại Đoàn Kết đã trở thành nơi để mọi tầng lớp xã hội gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, là diễn đàn rộng rãi tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên đại đoàn kết toàn dân tộc và đây cũng chính là nhiệm vụ cao cả của MTTQ Việt Nam”.
Theo ông Nhân, truyền thống, thực tiễn cuộc sống và thực hiện sứ mạng chính trị của MTTQ Việt Nam chính là cội rễ của sự thành công Đại Đoàn Kết hôm nay.
Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết ĐH XII của Đảng, năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết ĐH 8 MTTQ Việt Nam và năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Vì vậy, ông Nhân cho rằng báo Đại Đoàn Kết cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao ý thức và trách nhiệm chính trị, làm tròn trách nhiệm là người tiên phong, là công cụ truyền thông trực tiếp, hiệu quả của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.