Trung Quốc:

Đại gia 'bóc lịch' 13 năm vì ăn thịt ba con hổ để 'tăng cường sinh lực'

Đại gia 'bóc lịch' 13 năm vì ăn thịt ba con hổ để 'tăng cường sinh lực' ảnh 1Con hổ bị giết để làm cao hổ. (Nguồn: DM)

Truyền thông Trung Quốc đưa tin một doanh nhân nước này vừa bị bỏ tù vì tội tàng trữ và ăn thịt ba con hổ. Theo Tân Hoa xã, doanh nhân bất động sản giàu có họ Xu là một người có những sở thích kỳ quái như "nấu cao hổ, lóc móng hổ, ăn thịt hổ, tích trữ tinh hoàn hổ và uống rượu pha máu hổ."

Báo chí Trung Quốc cho biết đại gia này muốn ăn thịt hổ để "tăng cường sinh lực."

Năm 2013, ông Xu đã tổ chức ba chuyến đi cho 15 người bao gồm cả bản thân tới bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông. Tại đây đoàn người đã bỏ một số tiền lớn để mua hổ rồi trực tiếp xem cảnh con vật bị giết và mổ thịt. Một người thậm chí còn quay lại toàn bộ quá trình ghê rợn này bằng điện thoại. Đoạn video sau đó đã bị cảnh sát tịch thu.
Khi khám xét nhà ông Xu, cảnh sát đã tìm thấy 8 bọc thịt và xương động vật trong tủ lạnh, một số trong đó được xác định là thịt và tinh hoàn hổ, ngoài ra còn có 16 con tắc kè và 1 con rắn hổ mang.
Đầu năm nay, tòa án ở Quảng Tây đã phán quyết đoàn người của ông Xu đã phạm tội "vận chuyển trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm." Ông Xu nhận án phạt 13 năm tù giam cùng khoản tiền phạt 1,55 triệu Nhân dân tệ (tương đương 329.500 USD). Các bị can còn lại nhận án phạt tù từ 5-6 năm rưỡi với khoản bồi thường nhỏ hơn. Ông Xu đã kháng án, nhưng tòa án cấp cao vẫn giữ nguyên hình phạt.
Xương hổ từ lâu được coi là một dược liệu quý trong y học cổ truyền Trung Quốc. Mặc dù hiện đã bị chính thức loại bỏ khỏi danh sách các vị thuốc, nhưng nhiều người vẫn có niềm tin vào khả năng tăng cường sức mạnh của xương hổ. 
Ngoài ra, ở Trung Quốc cũng như nhiều nơi ở châu Á, tinh hoàn của những động vật như hổ hay hải cẩu cũng được cho là liều thuốc quý làm tăng khả năng tình dục của nam giới.
Theo số liệu trong Sách Đỏ các loài sinh vật đang bị đe dọa, số lượng hổ ngoài tự nhiên đã giảm từ 100.000 con xuống còn chưa tới 3.000 con trong vòng 100 năm qua do nạn săn bắn trái phép quá mức và môi trường sống bị hủy hoại./

Theo MAI NGUYỄN (VIETNAM+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm