Đại gia Thái rót mạnh tiền, thế trận bán lẻ xoay chiều

(PLO)- Các đại gia Thái Lan tiến hành song song cả hai mặt trận: Truyền thông để người Việt thích hàng Thái và đầu tư mạnh để phát triển các điểm bán hàng hóa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với sự góp mặt ngày càng nhiều tập đoàn nước ngoài chứng tỏ thị trường bán lẻ Việt Nam (VN) rất hấp dẫn nhưng nó cũng đặt ra không ít thách thức cho các nhà bán lẻ nội địa.

Nhà bán lẻ ngoại muốn trở thành số 1 ở VN

Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Retail Corporation mới đây công bố đầu tư 1,45 tỉ USD để phát triển 600 siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng… tại 57 tỉnh, thành của VN. Con số trên tăng gấp đôi so với hiện tại, tức tới đây mỗi tỉnh, thành sẽ có siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng của đại gia này.

Người dân đang mua sắm tại Siêu thị Tops Market của Tập đoàn Thái Lan Central Retail. Ảnh: TÚ UYÊN

Người dân đang mua sắm tại Siêu thị Tops Market của Tập đoàn Thái Lan Central Retail.
Ảnh: TÚ UYÊN

Chưa hết, tập đoàn này còn đặt tham vọng trở thành nhà bán lẻ đa kênh số 1 trong ngành thực phẩm và số 2 mảng bất động sản, trung tâm thương mại tại VN trong thời gian tới.

Giải thích về quyết định đầu tư số vốn khủng vào VN, ông Olivier Langlet, Tổng giám đốc điều hành Central Retail VN, nói: Khởi đầu là một nhà bán lẻ thời trang chỉ với một vài cửa hàng, đến nay chúng tôi đã có hơn 340 cửa hàng trên 40 tỉnh, thành của VN. Công ty đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu nhảy vọt từ 8,7 triệu USD vào năm 2014 lên 1,12 tỉ USD vào năm 2021.

Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm ngoái ước tính đạt 5.679,9 ngàn tỉ đồng, tăng khoảng 19,8% so với cùng kỳ năm trước đó. Dự báo đến năm 2025, quy mô thị trường bán lẻ VN sẽ tăng lên mức 350 tỉ USD.

“Riêng năm 2022, công ty đã thành công khi đạt được doanh số bán hàng đóng góp 25% tổng doanh thu của Central Retail, trở thành nhà bán lẻ quốc tế lớn nhất tại VN, dẫn đầu thị phần mảng đại siêu thị và đứng thứ hai thị phần trung tâm thương mại, phong cách sống” - lãnh đạo Central Retail VN dẫn chứng.

Không chỉ Central Retail mà hàng loạt tập đoàn nước ngoài khác cũng liên tục đầu tư mở rộng tại nước ta. Chẳng hạn ngay đầu năm nay, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon đã động thổ xây dựng trung tâm thương mại tại Huế với vốn đầu tư gần 170 triệu USD. Trước đó không lâu, để đa dạng hóa mô hình kinh doanh, tập đoàn này ra mắt Siêu thị Aeon MaxValu với diện tích 300-500 m2, nằm trong các khu dân cư.

Đáng chú ý, gần đây các tập đoàn bán lẻ mở rộng hệ thống cửa hàng đặt ngay ở các khu dân cư hoặc cây xăng để cạnh tranh, giành lợi thế với các mô hình khác. Lý do là người dân ở các khu dân cư có xu hướng giảm tần suất đi siêu thị, chuyển sang mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi gần nhà hơn.

Lo hàng Việt bị hất khỏi siêu thị

Trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại ồ ạt rót tiền khủng để chiếm lĩnh thị trường, liệu các nhà bán lẻ nội địa có lép vế ngay trên sân nhà? Trả lời câu hỏi này, ông Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, cho rằng việc Tập đoàn Central Retail của Thái Lan chi đến 1,45 tỉ USD để tăng gấp đôi số lượng điểm bán trải dài trên cả nước là “chuyện lớn” khiến các nhà bán lẻ VN không thể không quan tâm vì cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Đây sẽ là bài toán không đơn giản mà các nhà bán lẻ Việt cần nghiêm túc xem xét trong thời gian tới.

Cuộc cạnh tranh chưa cân sức

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, nhìn nhận rằng khi các nhà đầu tư nước ngoài hay vốn 100% nước ngoài đã vào VN thì đều có sự cạnh tranh với công ty nội địa.

“Tôi cho rằng đây là sự cạnh tranh chưa cân sức giữa nhà bán lẻ trong nước với bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, qua nhiều năm phát triển, thị trường bán lẻ VN hiện tại có nhiều doanh nghiệp Việt có thương hiệu phát triển và đứng vững trên thị trường như Saigon Co.op, Satra, BRG…” - bà Hậu nói.

Bà Hậu cũng cho rằng Nhà nước có những cơ chế, chính sách hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà bán lẻ trong nước có đủ sức khỏe để cạnh tranh với tập đoàn nước ngoài.

Thực tế cho thấy hiện nay cơ cấu hàng hóa trong các siêu thị của Central Retail đã thay đổi rất nhiều so với trước đây sau khi họ thâu tóm, mà cụ thể là tỉ lệ hàng “Made in Thái Lan” đang tăng lên rất nhanh. Đây là kênh để các nhà sản xuất của Thái Lan xuất khẩu hàng vào VN. Điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các nhà bán lẻ mà cả các đơn vị sản xuất, cung cấp của VN.

“Nhiều mặt hàng “Made in Thái Lan” sẽ thay thế trực tiếp hàng hóa “Made in VN” tại các siêu thị do họ sở hữu. Sự chuyển dịch này không chỉ làm cho các siêu thị lân cận bị ảnh hưởng, giảm doanh thu mà hàng hóa của các nhà sản xuất VN cung cấp vào hệ thống các siêu thị cũng bị ảnh hưởng theo” - TS Khương nhấn mạnh.

Cùng góc nhìn, chuyên gia thị trường bán lẻ Ngô Đình Dũng nhận định: Cạnh tranh khốc liệt là tất yếu khi các đại gia ngoại nhảy vào thị trường bán lẻ. Thế trận có thể sẽ xoay chiều trong cuộc đua, nếu nhà bán lẻ Việt không tự đổi mới, nâng cao năng lực sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Nhưng đây cũng là cơ hội cho công ty Việt tiếp tục thay đổi, cải tiến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

“Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận thấy cách đây hàng chục năm, các hội chợ của Thái Lan đã làm tốt việc khuyến khích tiêu dùng hàng Thái và người Việt cũng thích dùng hàng Thái. Nghĩa là họ tiến hành song song cả hai mặt trận: Truyền thông để người Việt thích hàng Thái và đầu tư mạnh để mở điểm bán hàng. Tôi nhận thấy bây giờ họ đang đạt được những mục tiêu trên” - chuyên gia Ngô Đình Dũng nhìn nhận.

Nhà bán lẻ nội tích cực vào cuộc

Để cạnh tranh với các đối thủ mạnh nước ngoài, các nhà bán lẻ Việt đang nỗ lực thay đổi, mở rộng quy mô kinh doanh.

Lãnh đạo Saigon Co.op cho biết hiện đơn vị đang chiếm 44% thị phần bán lẻ trên cả nước với hơn 1.000 cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại. Trung bình mỗi ngày trên toàn hệ thống phục vụ hơn 1 triệu khách hàng.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, thông tin trong năm nay đơn vị phấn đấu tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; đẩy mạnh thương mại điện tử và logistics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ.

Sau khi thâu tóm Siêu thị Emart của Tập đoàn bán lẻ Emart Hàn Quốc, lãnh đạo Thaco đặt mục tiêu đạt 20 siêu thị trong năm năm tới; doanh thu đến năm 2026 dự kiến đạt 1 tỉ USD, trở thành đại siêu thị có thị phần số 1 tại VN.

Tập đoàn Masan cũng cho hay năm nay sẽ mở thêm 800-1.200 cửa hàng và sẽ tập trung vào mô hình minimart, minimall với đa dạng hình thức từ khu vực thành thị đến nông thôn để củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm