Ảnh chụp ngày 6-8 cho thấy công tác cải tạo đất đang được tiến hành tại mũi phía tây nam của hòn đảo. Trước đó, những bức ảnh vệ tinh công bố vào ngày 10/3 và 18/4 cho thấy một đê chắn sóng đã được xây dựng ở góc này của đảo.
Rất có thể đoạn đê này là một phần của cầu cảng mới. Kể từ tháng 4, phần phía trong đê chắn sóng đã được san lấp để tạo ra một khoảng đất mới. Có ít nhất 4 cần cẩu cùng nhiều phương tiện xây dựng khác hiện diện thường trực trên khu vực mới được tạo lập.
Năm 2013, cơ quan bảo vệ bờ biển Đài Loan (Cảnh sát biển Đài Loan - CGA) đã tiến hành một cuộc khảo sát về độ khả thi khi xây dựng một cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu hộ vệ có lượng giãn nước 2000 tấn tại đảo Ba Bình.
Chính quyền Đài Bắc sau đó đã thông qua gói kinh phí 110,24 triệu USD cho dự án. Dự kiến, công trình sẽ được hoàn thành vào năm 2015.
Hiện trên đảo Ba Bình đang hiện diện một đường băng dài 1150m và rộng 30m, vốn được xây dựng từ năm 2008. Năm 2013, CGA từng thông báo kế hoạch mở rộng đường băng, tuy nhiên từ đó cho đến nay vẫn chưa có thông tin mới nào được đưa ra.
Các bức ảnh vệ tinh cũng không ghi nhận được bất kỳ công trình xây dựng nào liên quan đến đường băng được tiến hành.
HIS Jane’s nhận định, việc Đài Loan triển khai xây dựng cầu cảng tại đảo Ba Bình nhằm tăng cường khẳng định chủ quyền phi pháp của mình tại quần đảo Trường Sa. Đài Loan muốn củng cố yêu sách đối với các đảo đang tranh chấp bằng cách tăng cường sự hiện diện trên các vùng lãnh thổ mà mình kiểm soát.
Hồi tháng 4 năm nay, Đài Loan đã tiến hành một cuộc diễn tập đổ bộ vào đảo Ba Bình với sự tham gia của lực lượng thủy quân lục chiến. Cho đến nay, đây vẫn là hoạt động quân sự lớn nhất từng được Đài Bắc tiến hành tại Trường Sa.
Các thành viên của Ủy ban Lập pháp về Ngoại giao và Quốc phòng mới đây cũng vừa kêu gọi Bộ Quốc phòng Đài Loan triển khai tên lửa đất – đối – không MIM 72J để thay thế đơn vị tên lửa phòng không hiện có trên Ba Bình.
Khu vực Đài Loan xây cảng nằm trong hình chữ nhật màu vàng, phía tây nam đảo Ba Bình.
MIM 72J được cho là đang bị rút khỏi biên chế của hải quân Đài Loan. Tuy nhiên, cho đến nay Bộ Quốc phòng Đài Loan vẫn chưa đưa ra quyết định họ sẽ làm gì với các tên lửa MIM 72J thải loại.
Bất chấp sự phi lý trong lập luận và tính thiếu thuyết phục trong các bằng chứng, chính quyền ông Mã Anh Cửu vẫn cố tình ngụy biện và diễn giải hòn đảo là một phần trong bản đồ 9 đoạn, được Trung Hoa Dân Quốc công bố lần đầu tiên vào năm 1947. Khu vực mà họ tuyên bố chiếm phần lớn diện tích biển Đông, chồng chéo bất hợp pháp lên nhiều khu vực tuyên bố chủ quyền của các nước khác.
Bản đồ này cũng là cơ sở cho những tuyên bố chủ quyền vô lý của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau này. Trong các bản đồ xuất bản, Bắc Kinh đã thể hiện đường 9 đoạn với kí hiệu đường biên giới quốc gia. Như vậy, có thể hiểu rằng ý mà Trung Quốc muốn nói với thế giới là tất cả vùng đất, đảo nằm trong đường 9 đoạn là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Việt Nam luôn khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hà Nội cũng nhiều lần đưa ra những bằng chứng lịch chứng minh chủ quyền lâu đời của mình trên khu vực này.