Theo đài RT, trả lời phỏng vấn trên tờ Izvestia ngày 12-9, Đại sứ Nga tại Đức - ông Sergey Nechaev - cho biết Đức đã vượt lằn ranh đỏ với Nga khi cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nói thêm rằng quyết định của Berlin đã hủy hoại nhiều thập niên hòa giải giữa hai nước kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
|
Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechaev. Ảnh: EPA-EFE |
"Thực tế là chế độ Ukraine đang được cung cấp vũ khí sát thương do Đức sản xuất, vốn không chỉ được sử dụng để chống lại các lực lượng Nga mà còn cả dân thường ở Donbass. Điều này đã vượt qua lằn ranh đỏ” - ông Nechaev nói.
Đại sứ Nga nói rằng đáng lẽ người Đức phải hiểu rõ hơn khi "cân nhắc trách nhiệm đạo đức và lịch sử mà nước Đức phải chịu trước người dân của chúng tôi về tội ác của Đức Quốc xã”, đồng thời nhấn mạnh Berlin “đã vượt sông Rubicon” - một thành ngữ chỉ giới hạn một khi đã vượt qua rồi thì không thể quay trở lại được nữa.
"Chính phủ Đức đơn phương hành động phá hủy mối quan hệ song phương độc nhất cả về chiều dài và chiều sâu [với Moscow] vốn được vun đắp trong nhiều thập niên. Về thực chất, sự hòa giải sau chiến tranh giữa hai quốc gia và dân tộc đang bị hủy hoại” - ông Nechaev nhận định.
Cũng theo nhà ngoại giao này, các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt lên Nga trong cuộc xung đột Ukraine đã dẫn đến hoá đơn điện nước tăng mạnh, giá tiêu dùng tăng vọt và thu nhập thực tế tại Đức giảm đi.
Ông cho rằng "chiến tranh trừng phạt” chống lại Nga chỉ khiến Berlin "tự bắn vào chân” khi nước này đang đối mặt các cuộc biểu tình về khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Dù vậy, ông Nechaev cho biết Moscow không lấy làm vui về điều này ngay cả khi Berlin tự chịu trách nhiệm.
"Chúng tôi tin rằng những tiến triển đang diễn ra tại Đức là vấn đề nội bộ của Đức và chúng tôi không can dự vào. Chúng tôi chắc chắn cũng không có thói quen đưa ra những bài giảng khoa trương, những điều mà phương Tây liên tục đưa ra cho người Nga” - Đại sứ Nechaev cho hay.
Bình luận trên của ông Nechaev đưa ra chỉ hai ngày sau chuyến thăm bất ngờ tới Kiev của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, trong đó bà nhấn mạnh Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm vũ khí.
Theo đài RT, Đức đã từ bỏ chính sách lâu năm của nước này là không cung cấp vũ khí tới khu vực đang có xung đột vũ trang để cùng với Mỹ và các đồng minh khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) viện trợ vũ khí cho Ukraine. Chính phủ Đức nói rằng nước này có trách nhiệm đạo đức trong việc hỗ trợ Kiev tự vệ trước Nga.
Cho đến nay, các loại vũ khí sát thương mà Đức đã hỗ trợ Ukraine có thể kể tới như 3.000 vũ khí chống tăng Panzerfaust 3 với 900 thiết bị bắn, 500 hệ thống phòng không tên lửa Stinger, 2.700 hệ thống phòng không tên lửa Strela...