Nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát triển văn hóa truyền thống, hội tụ, kết nối tinh hoa dân tộc Việt và xây dựng tình hữu nghị văn hóa quốc tế, từ ngày 5-4 đến 9-4-2019, tại khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long sẽ diễn ra “Festival Văn hóa Truyền thống Việt và Giao lưu văn hóa quốc tế 2019”.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố sự kiện trên, ông Saadi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CH Palestine - Phó trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam đã bày tỏ tình cảm sâu nặng, ấn tượng của mình với đất nước Việt Nam.
Bằng ngôn ngữ tiếng Việt, ông Saadi Salama kể lại ấn tượng của mình ở giai đoạn đầu khi mới đặt chân tới đất nước hình chữ S. “Khi nghe những câu hỏi như: Các anh có khỏe không, các anh đã ăn sáng chưa ban đầu tôi thấy đó là những câu hỏi tò mò và cảm thấy rất khó chịu, nhưng dần dần tôi mới biết đó là cách người Việt Nam quan tâm nhau”, ông Saadi Salama nói.
Ông Saadi Salama.
Cũng theo ông Saadi Salama khi bắt đầu học về lịch sử ông càng ngày càng say mê văn hóa và lịch sử Việt Nam.
“Đây là một đất nước rất đa dạng về văn hóa. Đất nước có phong cách, xứng đáng có những hành động để đưa tên Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới, để cho các dân tộc đã quen Việt Nam qua những cuộc chiến tranh, qua sự hi sinh của nhân dân Việt Nam để xây dựng và bảo vệ đất nước cần phải hiểu về những lĩnh vực phát triển mới của đất nước này, đặc biệt là những sự đổi mới đem đến những thành quả đáng kính trọng”, ông Saadi Salama bày tỏ.
Phó trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam cũng khẳng định, là người nước ngoài đang sống ở Việt Nam, ông nhận thấy mình có trách nhiệm làm thế nào để giới thiệu Việt Nam đến với mọi người trên đất nước mình.
Thông tin thêm về sự kiện, Ban tổ chức cho biết, trong năm ngày diễn ra Lễ hội, ngoài triển lãm giới thiệu sản phẩm Việt của gần 300 doanh nghiệp, cá nhân của 63 tỉnh, thành trong cả nước, với 300 gian hàng tiêu chuẩn thì đặc biệt còn có sự tham gia giao lưu văn hóa và kinh tế của 30 đại sứ quán các nước.
Ông Saadi Salama và các thành viên Ban tổ chức tại buổi họp báo.
Bên cạnh đó, còn có các buổi trình diễn trang phục truyền thống của nhà thiết kế Áo Dài Sen; trình diễn trang phục và tìm kiếm thiên tài nhí; tôn vinh nữ doanh nhân tài sắc; tôn vinh các doanh nghiệp chất lượng có nhiều đóng góp cống hiến cho sự phát triển đất nước. Ngoài ra, bên lề Lễ hội còn có hội thảo và tọa đàm về văn hóa phong thủy, nghi lễ thờ cúng, nghi lễ đạo Mẫu, nghi thức chầu văn, hầu đồng.
Chủ tịch CLB Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Di sản Việt, Trưởng ban tổ chức Lễ hội - Hồ Như Quỳnh – Hoa hậu doanh nhân tài sắc 2015, cho biết: Đây là lễ hội mà chị dành rất nhiều tình yêu và tâm huyết, với mong muốn xây dựng văn hóa đất nước và phát triển tốt giá trị phù sa di sản Việt Nam.