Ngày 1-3, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống tội phạm xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2022; triển khai công tác năm 2023 của ban chỉ đạo 138/TP.
Tội phạm đường phố diễn biến phức tạp
Hội nghị trực tuyến được tổ chức dưới sự chủ trì của ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo 138 TP.HCM.
Tham dự hội nghị trực tuyến có đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Hội nghị được UBND TP tổ chức chiều ngày 1-3. Ảnh: NT |
Theo Công an TP.HCM, năm 2022, ghi nhận xảy ra 4.266 vụ phạm tội về trật tự xã hội (so với năm 2019 đã giảm 156 vụ). So với năm 2019, nhóm tội phạm được kéo giảm gồm cố ý gây thương tích, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…
Tội phạm xâm phạm sở hữu gồm cướp, cướp giật, trộm cắp được kéo giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 334 vụ) nhưng vẫn chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (2.816 vụ, chiếm tỉ lệ 66,01%).
“Một số vụ cướp tài sản có tính chất nguy hiểm, hành vi liều lĩnh, manh động, gây thương tích nghiêm trọng cho bị hại” – đại diện Công an TP.HCM nói.
Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM nói về tình hình tội phạm đường phố trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: NT |
Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, trong năm 2022, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm xâm phạm sở hữu như cướp, cướp giật, trộm cắp; tội phạm ma túy; tội phạm cờ bạc như mua bán số đề, đánh bạc trên điện thoại…; gây rối trật tự công cộng; đua xe; cố ý gây thương tích diễn ra trên đường phố nhiều, liên quan đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TP.HCM cho biết trong năm 2022, đơn vị đã có nhiều giải pháp để đấu tranh chống tội phạm đường phố.
Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng PC02, Công an TP.HCM cho biết thời gian tới sẽ tập trung đấu tranh với các loại tội phạm đường phố. Ảnh: NT |
Ông Hiếu cho rằng tội phạm đường phố tập trung vào 5 loại gồm: cướp giật, trộm cắp, cướp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích. Những tội phạm này chiếm 60% cơ cấu tội phạm trên địa bàn.
“Các đối tượng này lợi dụng khu vực trọng điểm, trung tâm thương mại dịch vụ, đường phố vắng vẻ… để gây án” – ông Hiếu nói.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm, Thành ủy, UBND TP, Ban chỉ đạo 138 TP đã có những chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm đường phố.
Người dân bức xúc với tội phạm đường phố
Trưởng Phòng PC02 cũng cho biết, với loại tội phạm gây rối trật tự công cộng thì ngoài mâu thuẫn từ trước thì có những mâu thuẫn trên mạng xã hội rồi hẹn đánh nhau để giải quyết. Đây cũng là một trong những loại tội phạm đường phố xuất hiện thời gian gần đây mà Phòng PC02 tập trung đấu tranh.
“Qua phân tích thì một số đối tượng tham gia đều trẻ. 78% đối tượng hầu như tham gia lần đầu; 25% đối tượng tham gia chưa có tiền án tiền sự” – Trưởng Phòng PC02 thông tin và nói thêm 70% đối tượng là người trên địa bàn.
Ông Hiếu cũng nhìn nhận, tội phạm đường phố khiến người dân bức xúc. Ảnh: NT |
Lãnh đạo Phòng PC02 cũng cho biết, tội phạm đường phố khiến người dân rất bức xúc vì khiến mất mát phương tiện, tài sản, sức khỏe và thậm chí là tính mạng của họ.
Công an TP.HCM đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp tuần tra, chốt chặn để xử lý. “Tuy nhiên có sự kết nối nhưng chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ khi thực hiện; truy bắt tội phạm còn chậm trễ” – Trưởng Phòng PC02 nêu.
Theo Đại tá Hiếu, tội phạm gây rối trật tự công cộng sử dụng các hung khí được mua bán trên mạng xã hội. Ở điểm này, công an vẫn chưa tập trung đấu tranh hết.
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP có nhiều lò độ chế xe. Đây được xem là điểm mấu chốt vì các đối tượng cướp giật, gây rối trật tự công cộng thường lợi dụng để độ chế xe rồi sử dụng để lưu thông với tốc độ cao, gây án.
Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: NT |
Đại tá Mai Hoàng cũng nhận định rằng hiện chưa triệt tận gốc được các lò độ, chế xe. Ông đặt ra yêu cầu phải xử lý tận gốc, căn cơ, không phải xử lý nghiêm tháng, địa bàn, lĩnh vực nào đó… một thời gian rồi sau thì lơ là.
Qua đánh giá, phân loại, Công an xác định có khoảng 20% tội phạm đường phố có sử dụng ma túy. Công an đã phối kết hợp với nhiều ban ngành đưa người nghiện đi cai bắt buộc để phòng ngừa.
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cho biết, năm 2022 tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở TP.HCM được đảm bảo. “Điều này góp phần vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cho những kết quả ngoạn mục” – ông nói.
Đánh giá những mặt làm được, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, trong năm 2022 các đơn vị đã làm được nhiều mặt rất nổi bật như kéo giảm tội phạm, tỉ lệ điều tra khám phá án tăng; nhiều án trọng điểm được tập trung làm, kết quả nổi bật.
“Lực lượng công an đã thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Tập trung đấu tranh với những loại tội phạm ảnh hưởng đến sự an bình của nhân dân, đặc biệt là tội phạm đường phố như trộm cắp, cướp giật” – ông nói và yêu cầu đơn vị nghiệp vụ cần chọn đúng hướng để tấn công, trấn áp một cách có chiều sâu.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể và chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an triển khai thực hiện hiệu quả 6 nội dung nhiệm vụ nhằm kéo giảm sâu các loại tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
“Tôi tin tưởng dưới sự lãnh đạo thường xuyên của Thành ủy, chỉ đạo quyết liệt của UBND TP và sự quyết tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân, công tác phòng, chống tội phạm trong năm 2023 sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP” – ông nói.