Không quên người lính nào
Mùa khô 1967-1968, chúng tôi ra Bộ Tổng tư lệnh làm việc và sau đó đến thăm Đại tướng. Ông hỏi thăm tận tình đời sống của lính và chính trị tư tưởng của bộ đội. Rồi Đại tướng chỉ rất rõ phải mở đường từ núi xuống Bình Điền để kéo pháo xuống đánh địch. Điều Đại tướng dặn sau này góp phần giúp bộ đội ta giành thắng lợi lớn.
Năm 1978, khi tôi là chính ủy của Binh đoàn 12 ở Pleiku, đang xây dựng hai thủy điện lớn là Krongput và Ia Yun 3. Đại tướng lên thăm và dặn phải chăm lo xây dựng đất nước mà Tây Nguyên là nóc nhà.
Năm 1973 đại tướng có thăm một trung đội nữ công binh tại Phu La Nhích. Năm 2003 tôi dẫn trung đội đó đến thăm ông. Đại tướng hỏi: “Bây giờ các cháu đời sống như thế nào?”. Các cô khóc, nói khổ lắm, các chính sách chưa được quan tâm. Đại tướng chỉ tôi, nói anh là trưởng ban liên lạc, anh phải chăm lo việc này. Giao tôi cùng anh Huyên (thư ký của Đại tướng) theo dõi, đôn đốc và sau sáu tháng phải báo cáo. Tôi đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa, sau một năm thì báo cáo xong. Đến thăm, được Đại tướng khen.
Đại tướng không quên người lính nào, dù là sĩ quan hay chiến sĩ.
Thiếu tướngVÕ SỞ, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu bản đồ tuyến vận tải chiến lược của bộ đội Trường Sơn trên đường đi thăm Đoàn 559 (tháng 3-1973).
Vũ khí là xương máu của nhân dân
Năm 1973, chúng ta dồn tổng lực chi viện cho phía Nam. Từ Đồng Hới vào Quảng Trị bị địch đánh, đường bộ tắc hết nên phải vận tải bằng đường biển vào cửa Nhật Lệ lên Đồng Hới rồi vào Nam. Bấy giờ Đại tướng đã vào động viên và chỉ huy các lực lượng.
Một hôm, chúng tôi đang tổ chức cho anh em vận chuyển hàng xuống tàu thì Đại tướng đi thăm và ra trận địa luôn dù các đồng chí bảo vệ đi cùng rất lo vì bom nổ chậm và các loại vũ khí khác vẫn còn rất nhiều. Lúc đó gió mùa đông bắc, sóng to, tàu bé chỉ cứ chao lắc nhưng Đại tướng vẫn bước lên tấm ván lên trên tàu. Chúng tôi chỉ sợ Đại tướng rơi xuống biển nhưng ông vẫn xăm xăm bước đi.
Sau này khi chúng tôi về công tác tại Tổng cục Kỹ thuật, Đại tướng vẫn thường dặn vũ khí là xương máu, mồ hôi nước mắt của nhân dân cho nên phải giữ tốt, dùng bền. Mỗi lần gặp Đại tướng luôn nhắc nhở phải đưa công nghệ mới vào, phải áp dụng công nghệ mới để nâng hạng vũ khí.
Thiếu tướngHOÀNG ANH TUẤN, nguyên Bí thư Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng
Bình dị và thân tình
Khi tôi nghĩ đến việc viết tư liệu, tổng kết cuộc chiến của bộ đội Trường Sơn trên cơ sở mô tả một con người, tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tôi mạnh dạn đến thưa với Đại tướng. Ông thân mật động viên: “Cậu viết về Đồng Sỹ Nguyên thì tốt lắm, cố gắng viết đi”.
Tôi trình bày cuốn này, xin Đại tướng viết cho cái tựa. Ông cười và bảo: “Sách chưa có mà đã đòi tựa”. Nhưng Đại tướng hiểu ý tôi vì lúc đó Đại tướng đã nhiều tuổi rồi, tôi sợ có chuyện gì thì thành dở dang.
Đại tướng nói: “Tớ không viết tựa đâu là bởi vì chưa được đọc bản thảo. Nhưng tớ sẽ viết về Đồng Sỹ Nguyên rồi cậu dán vô, có ưng không? Nếu đồng ý thì hai tuần nữa đến lấy!”. Tôi mừng lắm, hai tuần sau tôi đến, Đại tướng đưa cho cái bản đấy và tôi đưa vô sách tư liệu Đồng Sỹ Nguyên.
Đại tướng đối với chúng tôi là như thế, rất bình dị, thân tình.
Đại tá PHAN HỮU ĐẠI, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn vận tải 171
(chở quân bộ binh thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh)
THANH TOÀN - ANH THƯ ghi