Đại tướng trong lòng dân

Ngày 8-10, dòng người vẫn không ngừng đổ về đường Hoàng Diệu để được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Số lượng người đã vượt mấy ngày trước, kéo dài từ phía trước quảng trường Ba Đình. Trong đó, có rất nhiều người đến từ tỉnh xa.

Dòng người từ nhiều tỉnh xa về viếng tướng Giáp

Anh Nguyễn Quang Lâm dắt đứa con nhỏ chín tuổi ngồi nghỉ dưới bóng mát hàng cây, cho biết: “Hai cha con tôi từ Nam Định đi xe máy xuống từ lúc sáng, giờ qua trưa rồi mà chưa tới lượt vào viếng”. Bên cạnh, anh Hoàng Sơn, cán bộ ngành điện lực đến từ Hòa Bình, cũng có mặt ở Hà Nội khá sớm. Anh tâm sự: “Cùng đi với tôi có nhiều anh em cùng cơ quan và bạn bè. Bố tôi là lính của Đại tướng. Bố đã yếu lắm rồi không thể lên đây để viếng Người nên tôi thay mặt bố đến thắp nén hương từ biệt Đại tướng”.

Ngày 8-10, lực lượng sinh viên tình nguyện của một số trường ĐH đã được huy động đến để tham gia hướng dẫn người dân vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh xúc động mà nhiều người có mặt ở trên phố Hoàng Diệu được chứng kiến là việc những sinh viên tình nguyện đứng dọc theo hàng người, trên tay cầm những chiếc quạt giấy hướng về đoàn người quạt đều tay. “Em thấy nhiều bác cao tuổi vẫn kiên nhẫn đứng đợi từ sáng dưới cái nắng nên bọn em muốn góp một tí gió cho mọi người đỡ mệt” - Thu Hương, một sinh viên tình nguyện, nói.

Đại tướng trong lòng dân ảnh 1

Học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng. Ảnh: V.Thịnh

Người đặt nền móng cho khoa học Việt Nam

Trong phòng khách tại tư gia, GS-viện sĩ Đặng Hữu (nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên trưởng ban Khoa giáo Trung ương) treo trang trọng tấm ảnh đen trắng đã ngả màu thời gian. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông bắt tay một người đối tác Liên Xô để bàn về thành lập Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga nhưng nổi bật nhất lại là một gương mặt rất đỗi thân thuộc với hàng chục triệu người dân đất Việt với nụ cười hiền hậu: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cất giọng buồn bã, vị GS đã bước qua tuổi bát thập bảo rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người đặt nền móng cho khoa học công nghệ Việt Nam. “Đầu năm 2013, bác Giáp còn nằm trong bệnh viện viết thư chúc tết. Sau đó, tôi đến thăm mấy lần thấy bác còn rất minh mẫn. Vẫn biết việc bác ra đi sẽ đến nhưng khi nhận được tin tôi thấy đau xót và ngỡ ngàng” - ông Hữu bồi hồi xúc động.

Đại tướng rất thương yêu người lính

Họa sĩ Hoàng Dzự kể từ khi nghe tin Đại tướng qua đời, ông đã lấy tấm thiệp được Đại tướng tặng ra để tưởng nhớ. Ông kể: “Năm 1980-1993, tôi đã thực hiện gần 50 tập truyện tranh về đề tài lịch sử dân tộc và gửi những cuốn truyện ấy đến cho Đại tướng”. Ngày 3-6-1994, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đang là Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã gửi cho ông tấm thiếp này. Trong thiệp, Đại tướng khen ngợi và khuyến khích ông tiếp tục sáng tác nhiều tập sách như trên để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Từng là một người lính thuộc Trung đoàn 88, Họa sĩ Hoàng Dzự nhớ lại lần ông và đồng đội được gặp Đại tướng. Tại buổi gặp, sau khi nghe đại diện trung đoàn báo cáo về con số thương vong của trung đoàn lên đến 3.000 người (quân số của trung đoàn là 3.200 người), Đại tướng đã bật khóc. “Giây phút ấy, tất cả anh em đều im lặng. Đại tướng và nhiều người có mặt đã khóc. Từng ấy đủ hiểu Đại tướng thương yêu những người lính ra sao” - họa sĩ Hoàng Dzự nhớ lại.

V.THỊNH – NT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm