Đất Rồng - Nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đấy là thế đất của trường tồn và hộ vệ bờ cõi. Khu vực an táng không phải là đảo Yến mà là trong trung tâm của một thung lũng hoang sơ tuyệt đẹp. Nơi đó có đỉnh núi Rồng lừng lững, thung lũng Rồng chính hướng đông nam, bãi biển cát vàng mịn, hai bên cánh gà thung lũng có vô số các thớ đá bị bào mòn bởi sóng biển và người dân gọi đó là vảy rồng.

Mũi Rồng địa linh

Thôn Thọ Sơn chạy dài từ quốc lộ 1A ra biển. Giữa đồng thôn có một khu cát, hết khu cát thì tự giữa đất trời trồi lên một mỏm núi không cao, không thấp, người dân gọi là núi Rồng.

Trong hồ sơ của Sở GTVT tỉnh Quảng Bình định danh khu vực này là Mũi Rồng với các cao trình nước biển, bình độ lý tưởng và hướng gió cũng như nhiều số liệu kỹ thuật khác. Riêng người dân Thọ Sơn, theo các vị cao niên, từ thuở lập làng, những nhà địa lý đã lưu ý với con cháu các đời, đây là khu vực linh thiêng, phải biết bảo vệ để đợi người có công trạng lớn về an giấc. Cụ Lê Hữu Khành, người Thọ Sơn, kể: “Ngày xưa khi chúng tôi vượt qua núi Rồng, xuống thung lũng Rồng kiếm củi, các vị bô lão trong làng thường dặn dò vào đó phải cẩn trọng đi đứng vì đó là nơi thiêng liêng của làng”. Cụ Khành cho biết thêm, người làng có việc tang gia, làng không cho phép đưa táng ở thung lũng Rồng, mặc dù đó là địa thế rất đẹp, chỉ được chôn ở đồng Mới cách hướng bắc của làng hơn hai cây số. “Có lẽ các cụ xưa muốn dành cho một ai đó công trạng hiển danh để trấn giữ che chở cho dân, cho nước. Ngày xưa, tui từng nghe những người thông thạo địa lý trong làng bàn thế và không ai dám trái lời các bô lão. Trong khu vực đó chỉ có một ngôi mộ xưa cổ. Khi bọn tui lớn lên đã thấy mộ và cũng được biết dưới mộ là người có công lao lớn” - cụ Khành kể.

Đất Rồng - Nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1

Một góc thung lũng Rồng. Ảnh: MINH QUÊ

Chúng tôi đi bộ vào thung lũng Rồng. Một tháp chuông, một miếu thờ kiểu cổ, một căn nhà theo lối truyền thống to lớn và một nhà sàn đã được xây dựng.

Núi Rồng nhìn chính diện uy nghi như cái mào rồng dựng lên trời sắc nét. Hai bên đường núi chạy đều vòng ra phía biển và hạ dần độ cao gần như cân xứng, dân trong vùng gọi là địa thế tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ cùng chầu phục đỉnh Rồng phía trên. Trong đó là vùng đất thung lũng Rồng bằng phẳng, một kiệt tác hoàn hảo. Có hai con suối chia thung lũng thành ba gian tuyệt đẹp, tuy là khu vực khô hạn nhưng suối lại quanh năm mát nước. Suối đổ ra biển phía trước, chính diện đỉnh Rồng là bãi biển cát mịn. Lạ kỳ hai bên cánh gà là những lớp đá có cấu trúc không như bất cứ nơi nào khác của bất cứ bờ biển nào ở Việt Nam. Đá xếp lớp lên nhau như những chiếc vảy mà dân địa phương gọi là vảy rồng.

Từ lưng chừng núi Rồng, phóng tầm mắt ra khỏi bãi cát là biển Vũng Chùa, trong khu vực bãi Rồng, xưa kia từng có dấu vết ngôi chùa cổ. Trên biển Vũng Chùa có đảo Yến, tính từ tâm đỉnh núi Rồng ra đảo Yến đúng hướng đông nam tuyệt đối, không chệch bất cứ li nào. Đảo Yến án ngữ giữa biển Vũng Chùa đúng là bức bình phong tuyệt vời của đất trời tự tạo.

Vì bão, vẫn ít người biết Đại tướng về đây

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch xã Quảng Đông, cho biết: “Chúng tôi rất xúc động khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp an táng tại Mũi Rồng của xã. Nhưng quả thật tin Đại tướng từ trần và sẽ an nghỉ nơi đây cho đến nay nhiều người trong thôn chưa hề biết do đợt bão số 10 vừa qua”.

Cụ Khành là một trong số đó. “Cả xã hiện vẫn đang bị mất điện do bão số 10 nên không hề biết chi về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. May có việc đi lên xã tui mới nghe được tin. Tui khóc, ứa nước mắt vì nhớ ngày xưa cũng được Đại tướng ra thăm khu cảng Hòn La (khi nhận gạo từ miền Bắc vào chi viện thời kháng chiến), cụ ân cần với dân tui ở đây. Đại tướng hỏi ăn ở khó khăn ra sao, rét mướt thế nào, rồi phát cho dân quân xã tui áo bông chống rét…” - kể xong ông Khành lại khóc.

Nhà nghèo, hai vợ chồng cụ Khành chỉ có ít đồng thu nhập (ông từng làm bí thư Đảng ủy xã thời kỳ 1977-1985), phải nuôi con gái bị liệt, ngu ngơ nhưng cụ Khành vẫn quyết trích 250.000 đồng lên tận chợ huyện mua cái đài bán dẫn về nghe tin Đại tướng. Ông mua đài trưa 8-10, mở mãi, ngóng mãi tin, cứ kể đến lại ứa nước mắt về vị tướng của nhân dân.

Tôi hết sức bất ngờ và hết sức vinh hạnh, tự hào khi Đại tướng chọn quê hương Quảng Trạch mà cụ thể là Mũi Rồng để an giấc. Đảng bộ và nhân dân huyện nhà nguyện hết lòng chăm sóc nơi Đại tướng nghỉ ngơi để không phụ lòng Người đã quyết.

Ông ĐẬU MINH NGỌC, Chủ tịch huyện Quảng Trạch, Quảng Bình

Ông Nguyễn Đức Long ở thôn Đông Hưng giãi bày: “Bão làm mất điện lâu quá. Đến hôm 8-10, khi cán bộ huyện về xã thông báo Đại tướng về an nghỉ ở Mũi Rồng chúng tôi mới biết ngài mất. Chúng tôi chỉ biết ôm mặt khóc, tui từng chiến đấu ở chiến trường đường 9 năm 1972, từng được Đại tướng tiếp cơm, tặng áo, vậy mà ngày Đại tướng mất chúng tôi biết sau mấy ngày, tủi thân quá chú ơi”.

Ông Khành sau một hồi run run, nói tiếp: “Đúng là buồn khi Đại tướng mất, nhưng chúng tui vinh dự, tự hào khi mảnh đất rất khó khăn nơi đây lại được Đại tướng chọn làm nơi an giấc ngàn thu. Dân chúng tui nghèo nhưng lòng thành không nghèo, dân tui nguyện sẽ hương khói như con cháu của Đại tướng, đây là bổn phận đền đáp với Đại tướng của toàn dân”.

Trở lại với thung lũng Rồng, nơi tháp chuông đã có đại chuông “Hồng Chung Vũng Chùa”, trên đó có nhiều bức khánh của một số sư tổ xa xưa, đặc biệt trên có tên phu nhân Đặng Bích Hà cùng gia đình cung tiến. Lễ đó đã chuẩn bị cho nghĩa thiên thu của Đại tướng từ lâu. Thế đất thiêng ấy của thôn Thọ Sơn mà các tiền nhân khai canh đợi chờ đón được bậc khai quốc công thần lẫm liệt cho chốn thiên thu.

MINH QUÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm