Đắk Lắk: Bao giờ chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi?

(PLO)- Tỉnh Đắk Lắk đang gấp rút thực hiện đề án chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện với voi, thay vì du lịch cưỡi voi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mặc dù tỉnh Đắk Lắk đã đề cập đến vấn đề chuyển đổi mô hình du lịch với voi và đã có kế hoạch trong thời gian qua, tuy nhiên hiện nay mô hình du lịch cưỡi voi vẫn đang diễn ra trên địa bàn.

Đắk Lắk: Bao giờ chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi? ảnh 1

Di khách bỏ ra 200 đến 400 ngàn đồng để trải nghiệm cưỡi voi ở Buôn Đôn. Ảnh HT

Ghi nhận chiều 12-8 của PLO tại khu du lịch Buôn Đôn (Đắk Lắk), cho thấy hoạt động du lịch bằng hình thức cưỡi voi vẫn đang diễn ra như trước đây. Theo đó, giá vé dành cho du khách cưỡi voi là 200.000 – 400.000 đồng/lượt. Hiện vẫn có nhiều du khách mua vé để cưỡi voi qua sông.

Anh Lê Thanh (Đà Nẵng) cho biết, đây là lần thứ hai anh đến du lịch tại Buôn Đôn. Anh rất thích thú với mô hình cầu treo ở đây, tuy nhiên khi được mời tham gia du lịch cưỡi voi trải nghiệm thì anh từ chối.

“Thấy thương lắm, những con voi lớn tuổi có tai bị rách nhiều mảng nhưng người ta vẫn cho cưỡi để bắt voi băng qua dòng nước chảy, thấy rất tội nghiệp. Tôi đọc đài báo thấy có thông tin Đắk Lắk đang không tiến hành du lịch cưỡi voi nữa, nhưng như thế này thì chắc còn rất lâu mới thực hiện được”- anh Thanh nói.

Đắk Lắk: Bao giờ chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi? ảnh 2

Đắk Lắk đang dần tiến tới chấm dứt cưỡi voi trong du lịch. Ảnh QN

Tại khu vực voi đang đứng đợi khách, chúng tôi còn ghi nhận việc nài voi bán lông đuôi voi cho khách. Một du khách cho biết, anh mua một đoạn lông đuôi voi được nài voi cắt bán với giá 200.000 đồng.

Trao đổi về vụ việc này, ông ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết đơn vị này đang xúc tiến thực hiện dự án hỗ trợ thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh.

“Hiện nay cơ bản các nài voi đã đồng tình với mô hình chuyển đổi từ du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện để tiến tới chấm dứt hẳn du lịch cưỡi voi phải mất vài năm, dự kiến khoảng năm 2025” - ông Phước nói.

Cũng theo ông Phước, mới đây, Tổ chức động vật châu Á (AAF) đã cam kết tài trợ hơn 2,2 triệu USD để thực hiện dự án, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2026.

Mục tiêu của dự án là triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi toàn tỉnh, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi. Đồng thời qua đây cũng nhằm triển khai nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà, duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà tại Đắk Lắk.

Dự án sẽ tiến hành hỗ trợ tài chính cho các chủ voi để voi ngừng hoạt động chở du khách và đảm bảo chủ voi không bị ảnh hưởng về kinh tế trong thời gian chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Đồng thời, hỗ trợ nài voi chăm sóc voi; hỗ trợ về chăm sóc, khám chữa bệnh cho voi; quảng bá hình ảnh du lịch thân thiện với voi…

“Vừa rồi cơ quan ban ngành đã trình kế hoạch dự án này lên UBND tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên do cần bổ sung một số chi tiết nên sắp tới sẽ trình lên để UBND tỉnh phê duyệt, chỉ đạo thực hiện”- ông Phước nói.

Bên cạnh đó, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cũng cho rằng, việc thực hiện chuyển đổi mô hình từ du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi được được các cấp, ngành quan tâm. Do đó, hi vọng việc chấm dứt cưỡi voi trong du lịch sẽ sớm được triển khai.

Hồi tháng 3-2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp khẩn trương hoàn thành phương án mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với voi” ngay trong năm 2022.

Tỉnh giao Sở rà soát, thống kê số lượng voi nhà và hộ có voi trên địa bàn tỉnh nhằm báo cáo, đề xuất UBND tỉnh về phương án hỗ trợ kinh phí cho người dân (theo hàng tháng, quý, năm) để hạn chế tối đa và hướng tới không tổ chức dịch vụ cưỡi voi để phục vụ du khách.

Trong đó, UBND tỉnh giao lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán hàng hóa, đồ lưu niệm, đồ trang sức, đồ mỹ nghệ liên quan đến động vật hoang dã, trong đó có voi,.. tại các cơ sở bán hàng hóa tại các khu, điểm du lịch và trên địa bàn tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm