Ngày 25-1, thông tin từ UBND tỉnh Đắk Nông cho biết thời gian qua tỉnh tiếp tục thực hiện liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy mối quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Đắk Nông với các địa phương trong nước và quốc gia.
Cụ thể, trong tháng 12-2023, Đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông do ông Ngô Thanh Danh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy, dẫn đầu đã đi thăm, làm việc với các đối tác của Ấn Độ.
Trong chuyến đi này, tỉnh đặt mục tiêu với mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, năng lượng xanh, cơ khí luyện kim, hạ tầng khu công nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; tìm kiếm, mở rộng cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, như cà phê, hồ tiêu, hạt điều.
Tỉnh Đắk Nông cũng mời gọi các đối tác Ấn Độ sang thăm, nghiên cứu, hợp tác đầu tư tuyến đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước) với chiều dài 555km.
Trong đó, ưu tiên nghiên cứu hợp tác đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành, với chiều dài 67km.
Tháng 11-2021, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu đến năm 2030, sẽ cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ.
Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP. HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế.
Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa. Trong đó, giai đoạn này sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước), với tổng chiều dài 550 km.