Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2025

(PLO)- TP.HCM đang triển khai nhiều hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

TP.HCM là địa bàn tập trung đông dân cư với trên 13 triệu người nên sức tiêu thụ thực phẩm rất lớn. Đặc biệt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm càng tăng lên.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Khánh Phong Lan (ảnh), Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ít cơ sở vi phạm

. Phóng viên: Thưa bà, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở ATTP TP.HCM đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ATTP như thế nào?

+ Bà Phạm Khánh Phong Lan: Thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán 2025, tuyến TP, quận, huyện, phường, xã trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức 316 đoàn kiểm tra.

Các đoàn công tác kiểm tra về điều kiện vật chất các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm, thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ…

Có gần 1.700 cơ sở được kiểm tra, kết quả phát hiện 47 cơ sở vi phạm, số tiền xử phạt là 63,8 triệu đồng.

Nhìn vào kết quả kiểm tra cho thấy số cơ sở vi phạm bị xử phạt chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Điều này nhìn theo hướng lạc quan thì tình hình an toàn thực phẩm có tốt hơn. Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì số lượng này vẫn ít, chưa bao quát hết.

Đoàn kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm dịp Tết tại Công ty TNHH MM Mega Market (TP Thủ Đức) vào ngày 20-1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chúng tôi vẫn còn lo ngại về tình trạng giết mổ heo ở lò mổ thủ công từ địa phương khác rồi đem về tiêu thụ tại TP.HCM. Chúng tôi cũng phát hiện một số cơ sở, kho bãi tập kết thịt heo, phủ tạng động vật không rõ nguồn gốc, bốc mùi nên đã ngay lập tức tịch thu, tiêu hủy và xử phạt ngay tại chỗ.

Một tháng trước Tết, chúng tôi tăng cường thanh tra, kiểm tra nhiều ở khâu sản xuất thực phẩm, hàng hóa. Hiện nay giáp Tết, chúng tôi đã tập trung thanh tra, kiểm tra nhiều vào khâu kinh doanh.

Ngoài các thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ, hải sản, tôi vẫn còn lo lắng về các vấn đề ATTP với các loại thực phẩm đóng gói sẵn để bán trong dịp Tết.

Không để mất cảnh giác

. Đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bà có những lo ngại gì liên quan đến vấn đề ngộ độc thực phẩm dịp Tết?

+ Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra năm vụ việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Trong đó có hai vụ ngộ độc bữa ăn gia đình, hai vụ ngộ độc hàng rong trước cổng trường, một vụ ngộ độc tại khu chế xuất. Không có vụ việc trên 30 người bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, nếu chúng ta mất cảnh giác thì ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

. Sở ATTP TP.HCM có gặp khó khăn, thách thức gì trong công tác đảm bảo ATTP?

+ Hiện nay, chúng ta còn thiếu các quy định về việc quản lý kinh doanh thực phẩm trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Ngoài ra vẫn tồn tại việc kinh doanh không phép (gánh hàng rong, buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường…), đặc biệt là xung quanh trường học, bệnh viện, chợ đầu mối, chợ truyền thống, khu vực tập trung đông người. Vẫn còn thực trạng các đối tượng kinh doanh đối phó với các đoàn khi được kiểm tra.

Tết đến, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Khi kinh tế còn đang khó khăn, một bộ phận người dân có xu hướng lựa chọn hàng hóa buôn bán vỉa hè với giá rẻ. Tuy nhiên, những hàng hóa này lại không được kiểm soát chất lượng.

Hiện giờ chúng tôi chỉ mới có thể kiểm soát các cơ sở sản xuất, buôn bán hợp pháp có thẩm định, cấp phép. Những cơ sở buôn bán nhỏ lẻ quá phức tạp, nguy cơ mất ATTP rất nhiều. Mong người dân hãy tự bảo vệ mình và gia đình bằng cách mua, chế biến thực phẩm đúng cách để đảm bảo an toàn.

Cơ quan, ban ngành kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm tươi sống tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

. Sở ATTP TP.HCM có những giải pháp gì để đảm bảo ATTP trước, trong và sau Tết?

+ Sở ATTP TP.HCM cùng các sở, ngành liên quan, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã tập trung triển khai nhiều hoạt động đảm bảo ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025.

Cụ thể, chúng tôi tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đảm bảo ATTP thời điểm trước Tết khoảng hai tháng, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để tự bảo vệ mình, chỉ uống rượu có nguồn gốc, xuất xứ, có nhãn mác, có tem kiểm định rõ ràng và không uống rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, Sở ATTP TP.HCM tổ chức sáu lớp tập huấn trước Tết cho đối tượng là chủ cơ sở, người trực tiếp quản lý siêu thị, kênh phân phối hiện đại và tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối trên địa bàn TP.

. Xin cảm ơn bà.

Ông TRẦN THANH NAM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT:

Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất

TP.HCM là TP lớn của cả nước nên nhu cầu về thực phẩm và ATTP rất lớn. Thời điểm này, TP đã có kế hoạch chi tiết, cụ thể về công tác đảm bảo chất lượng hàng hóa, ATTP dịp Tết Nguyên đán; triển khai thanh tra, kiểm tra gắn liền với tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành quy định về ATTP.

Bộ NN&PTNT đánh giá cao chương trình Tick xanh trách nhiệm của TP.HCM với sự tham gia của tám tập đoàn bán lẻ lớn, góp phần ngăn chặn sản phẩm bẩn, sản phẩm kém chất lượng đến người tiêu dùng. Đặc biệt, TP đã ký kết với 15 tỉnh, TP phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Đề nghị TP.HCM tiếp tục phát huy những giải pháp hiệu quả thời gian qua trong công tác đảm bảo ATTP, tập trung xây dựng chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhất là với các cơ sở nhỏ lẻ và cơ sở giết mổ thủ công khu vực vành đai giáp ranh TP; nâng cao trách nhiệm chấp hành quy định pháp luật của cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT):

Siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) siết chặt việc sử dụng thuốc BVTV từ khâu đăng ký nhập khẩu đến sản xuất lưu thông và phân phối. Chúng tôi đã đưa ra khỏi danh mục hơn 1.700 nhóm thuốc có chứa chất độc, lưu tồn lâu trong nông sản.

Tỉ lệ sử dụng thuốc BVTV đang ngày càng ít đi, người dân đã biết sử dụng thuốc BVTV sinh học dần thay thế thuốc hóa học. Tuy nhiên, thuốc BVTV ngày càng tiến bộ và có nhiều hoạt chất. Để đánh giá dư lượng thuốc thì cần kiểm nghiệm bằng máy.

Chúng tôi đề nghị sắp tới TP.HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra nông sản nhập khẩu, đặc biệt là trái cây; tăng cường lấy mẫu để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, đảm bảo thực phẩm có chất lượng an toàn cho người dân.

Đại diện Công ty TNHH MM Mega Market (TP Thủ Đức):

Tẩy chay hàng hóa của nhà cung cấp sai phạm

Trong năm 2024, tỉ lệ phát hiện vi phạm của nhà cung cấp hàng cho siêu thị chúng tôi chiếm 1%-2%, chủ yếu là mặt hàng thủy sản có nhiễm kháng sinh.

Công ty chúng tôi ngưng nhận hàng từ nhà cung cấp sau khi phát hiện và đến tận nơi sản xuất để tìm ra nguyên nhân, quyết định có hợp tác tiếp tục với nhà cung cấp hay không. Đồng thời, công ty giám sát hàng hóa ba lần liên tục, nếu đạt thì tiếp tục, không thì ngưng hợp tác.

Các hệ thống siêu thị sẽ cung cấp thông tin vi phạm cho cơ quan chức năng để xử lý. Đây là chương trình ràng buộc để các nhà cung cấp hoạt động đúng nguyên tắc. Tôi thiết nghĩ cần tăng mức xử phạt để đủ răn đe các cơ sở vi phạm. Ngoài ra, các hệ thống siêu thị cùng tẩy chay hàng hóa của nhà cung cấp sai phạm để họ không dám sai phạm nữa. Người dân cần được yên tâm dùng thực phẩm an toàn.

TS-BS NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI, giảng viên bộ môn Dinh dưỡng - ATTP Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch:

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại nhà

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại nhà dịp Tết, tôi khuyên mọi người nên lựa chọn thực phẩm tươi sống như thịt, tôm, cá, rau củ quả… tươi ngon, mùi đặc trưng của sản phẩm, không lẫn tạp chất, mùi lạ. Thực phẩm chế biến phải có bao gói, ghi nhãn đầy đủ theo quy định, tốt nhất nên mua thực phẩm tại những cơ sở uy tín.

Việc bảo quản thực phẩm luôn phải đảm bảo về nhiệt độ cho từng loại, không để chung thực phẩm sống và chín. Những thực phẩm đã chế biến nếu để trong điều kiện bình thường không nên quá 2 giờ. Thực phẩm còn dư sau khi ăn cần cho vào hộp kín, để tủ mát khoảng 1-2 ngày và phải làm nóng lại trước khi ăn. Tuyệt đối không được ăn thức ăn có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

Luôn giữ nhà bếp thoáng, sạch. Dụng cụ nấu ăn như dao, thớt, rổ, thau, chậu dùng cho thực phẩm sống - chín/ăn ngay riêng biệt, sạch sẽ; sử dụng nguồn nước sạch, gia vị, phụ gia an toàn dùng để chế biến thức ăn; đun kỹ, nấu chín thức ăn ở nhiệt độ thích hợp nhằm đảm bảo tiêu diệt hết mầm bệnh có trong thực phẩm tươi sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới