Dám bỏ tư duy cũ, thay đổi nhìn từ câu chuyện chiếc nhẫn cưới

(PLO)- Doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới sáng tạo để vươn xa hơn trong hành trình kinh doanh, để cùng đưa Việt Nam trở thành "con hổ kinh tế" tiếp theo của châu Á.

Sáng ngày 3-1, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo "Đổi mới để vươn mình trong kỷ nguyên mới" do Sở Công Thương TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và CSMO Việt Nam phối hợp tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của giải thưởng "Thương hiệu Vàng TP.HCM" lần thứ 5 và cũng là hoạt động mở màn cho chuỗi chương trình "Đi cùng thương hiệu: Walk & Talk" mùa 3 năm 2025.

Việt Nam sẽ là "con hổ kinh tế" tiếp theo của châu Á?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết: "Ngày hội Thương hiệu vàng TP.HCM" năm nay với chủ đề "Đổi mới và bền vững" đánh dấu chặng đường 5 năm với nhiều giá trị ý nghĩa cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. ẢNH: QUANG ĐỊNH

Giải thưởng góp phần tôn vinh các thương hiệu tiêu biểu, khẳng định vị thế của doanh nghiệp TP.HCM trong bối cảnh hội nhập. Qua đó, giải thưởng tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu, thúc đẩy tính đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Bà Ngọc kỳ vọng thông qua diễn đàn, các chuyên gia và doanh nghiệp sẽ chia sẻ nhiều bài học kinh doanh đột phá, những câu chuyện thực tiễn, để từ đó gợi mở hướng đi mới cho cộng đồng kinh doanh.

Nói tại hội thảo, ông Sam Korsmoe, tác giả cuốn sách Việt Nam - Ngôi sao đang lên của châu Á, nhận định rằng Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để trở thành "con hổ kinh tế tiếp theo của châu Á".

Bảo vệ cho nhận định này, ông Sam Korsmoe cho biết ông và nhóm nghiên cứu đã thực hiện một dự án nhằm lý giải những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án dự đoán tiềm năng trong tương lai dựa trên sáu tiêu chí: xuất khẩu, công nghiệp hóa, chuyên môn hóa, thị trường, định hướng lãnh đạo và đổi mới lãnh đạo.

Theo kết quả nghiên cứu, Việt Nam hiện đáp ứng khá tốt hầu hết các tiêu chí, dù công nghiệp hóa vẫn là điểm cần cải thiện. Ông Korsmoe cho rằng để nâng cao mức độ công nghiệp hóa thì Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng cần phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách, và tăng khả năng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số, tăng đổi mới sáng tạo.

"Tại đây, vai trò của các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Cần Thơ trong việc dẫn dắt sự phát triển là khá quan trọng. Các địa phương này cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, nâng tầm các lĩnh vực như sự kiện, ẩm thực và điện ảnh, để trở thành điểm đến tầm cỡ quốc tế. Tôi cho rằng, với sự năng động của mình, TP.HCM có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện mang tầm vóc toàn cầu như show diễn lớn", ông Korsmoe nói.

Ông cũng chỉ ra tám động lực chính giúp Việt Nam có tiềm năng lớn, trong đó nổi bật là chiến lược "Trung Quốc +1" khi các nhà sản xuất chuyển dịch khỏi Trung Quốc để tận dụng lợi thế của Việt Nam.

“Chúng ta cần Think Big - nghĩ lớn, ước mơ lớn và thực hiện chúng một cách bền bỉ. Mà ở đó, nghĩ lớn cũng đồng nghĩa với việc đầu tư cho nguồn nhân lực tương lai, xây dựng các thương hiệu toàn cầu và nâng cao văn hóa Việt Nam trên sân khấu thế giới. Tuy nhiên, cần song song nhận diện rủi ro để phát triển bền vững”, ông Korsmoe nhấn mạnh.

Muốn phát triển phải dám thay đổi

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ, nhấn mạnh đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp.

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ. ẢNH: QUANG ĐỊNH

Lấy ví dụ thực tế tại PNJ, ông Thông cho biết ở mỗi giai đoạn, PNJ sẽ mang tới một định vị thương hiệu khác nhau, phù hợp với từng khách hàng, lứa tuổi.

“Đơn cử như chiếc nhẫn cưới, trước đây chúng tôi gắn liền với câu chuyện áo dài khăn đóng, những lễ nghi trang trọng, và điều này đã tạo nên thương hiệu cho PNJ. Nhưng với hiện tại, khi mà thế hệ Gen Z đang trỗi dậy, câu chuyện này sẽ trở thành 'chuyện cũ'. Vẫn là true love - tình yêu đích thực, nhưng chúng tôi thổi luồng gió mới bằng việc xây dựng hình ảnh trẻ trung, phù hợp nhiều bối cảnh, không rập khuôn trong mô hình lễ nghi sang trọng. Điều này có nghĩa là chúng tôi dám bỏ tư duy cũ, dám thay đổi để làm mới thương hiệu mình”, ông Thông chia sẻ.

Kể câu chuyện của Vinamilk, ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing Vinamilk, cũng cho biết dù đang ở đỉnh cao thị trường nhưng Vinamilk vẫn mạo hiểm thay đổi nhận diện, "bởi không ai có thể ở mãi trên đỉnh cao của chính mình".

“Trước khi quyết định, chúng tôi đã nghiên cứu và phân tích, nhận thấy thói quen tiêu dùng khách hàng đang thay đổi nhanh chóng, họ đòi hỏi các sản phẩm phải đẳng cấp, phải riêng biệt, thay vì quá thông dụng ai cũng có thể sở hữu. Chính vì vậy, Vinamilk quyết định thay đổi để phù hợp với xu thế cá nhân hóa, với người tiêu dùng trẻ và để phù hợp với xu thế 'go global' - đi tới toàn cầu. Rất may mắn sự thay đổi nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng trong và ngoài nước”, ông Trí nói.

Tương tự, ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, kiêm CEO kênh TMĐT E2E trên nền tảng TikTok, cũng nhìn nhận dù sở hữu mạng lưới bán lẻ và B2B nhưng Kido vẫn quyết tâm phát triển TMĐT để làm mới chính mình, tăng đầu ra sản phẩm trong hệ sinh thái, và quan trọng hơn là phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới