Ngày 31-1 (giờ Thuỵ Sĩ), phái đoàn phe đối lập Syria sẽ gặp trung gian hoà giải của LHQ – đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura tại Geneva (Thuỵ Sĩ) trong khuôn khổ vòng đàm phán tìm kiếm hoà bình cho Syria do LHQ làm trung gian.
Sau nhiều ngày hoãn, phái đoàn phe đối lập Syria được biết đến với tên Uỷ ban Thương lượng Cấp cao (HNC) gồm 17 thành viên có quan điểm đối lập Tổng thống Syria Bashar al-Assad về chính trị và quân sự đã đến Geneva vào ngày 30-1 để tham gia vòng đàm phán.
Liệu vòng đàm phán này có mang lại hoà bình cho Syria sau năm năm nội chiến đau thương và tan hoang? (Ảnh: BNP.ORG.UK)
Theo báo The Guardian (Anh) thì trong cuộc gặp đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura, phe đối lập Syria sẽ nêu ra yêu cầu chính phủ Syria trả tự do khoảng 3.000 tù nhân, bỏ lệnh phong toả cũng như ngưng ném bom các khu vực phe đối lập đang kiểm soát như biện pháp xây dựng lòng tin để hai bên bắt đầu đàm phán.
Cuộc gặp giữa ông Staffan de Mistura và phái đoàn chính phủ Syria diễn ra ngày 29-1. Ngày làm việc chính thức của vòng đàm phán sẽ diễn ra vào ngày 1-2. Dự kiến của LHQ là vòng đàm phán này sẽ kéo dài sáu tháng. Đầu tiên là tìm kiếm một thoả thuận ngừng bắn, sau đó thống nhất một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài năm năm làm hơn 250.000 người chết và hơn 10 triệu người mất nhà cửa.
Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura họp báo sau cuộc gặp phái đoàn chính phủ Syria tại Geneva (Thuỵ Sĩ) ngày 29-1. (Ảnh: GUARDIAN)
Theo người phát ngôn phái đoàn phe đối lập Salim al-Muslat, phe đối lập Syria đến Geneva vì muốn kiểm tra sự nghiêm túc của cộng đồng quốc tế trong thực hiện lời hứa của mình với nhân dân Syria cũng như của chính phủ Syria trong thực hiện các bổn phận nhân đạo, và thật sự muốn tìm một giải pháp chính trị hoà bình để giải quyết cuộc nội chiến.
Đặc phái viên LHQ Staffan de Mistura (phải) gặp đại sứ Syria tại LHQ Bashar al Jaafari tại Geneva (Thuỵ Sĩ) ngày 29-1. (Ảnh: REUTERS)
Ông Salim al-Muslat cho biết phe đối lập Syria xác định tuân thủ nghị quyết của LHQ yêu cầu các bên tạo điều kiện cho cứu trợ, thả tù nhân, chấm dứt chiếm đóng và giao chiến tại các khu vực dân cư. Đồng thời yêu cầu các nước đã thống nhất nghị quyết này của LHQ vào tháng trước, trong đó có chính phủ Syria và Nga cần nghiêm túc tuân theo.
Các trận không kích của Nga tại Syria gần bốn tháng qua đã giết gần 1.400 dân thường, tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết cùng ngày. Ngày 30-1, tổ chức từ thiện Medecins Sans Frontieres cho biết có 16 người ở thị trấn Madaya (Syria, đang bị chính phủ phong toả) đã chết vì đói, cứu trợ đã không thể đến kịp.