Vì quá bức xúc trước những khoản thu không rõ ràng tại Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hà Nội) trước ngày khai giảng, một số phụ huynh đã lên mạng xã hội chia sẻ thông tin, sau đó họ đã bị công an mời lên làm việc.
Công an sao lại can thiệp vào việc này? Người ta không vi phạm pháp luật sao công an xã mời? Như vậy là có lạm quyền không? Lý do gây hoang mang trong dư luận nghe không hợp lý chút nào… Đó là những câu hỏi của nhiều bạn đọc như XuanSon, MinhNghia, Nguyễn Phương, Cao Sơn…
Không lạm quyền nhưng chưa chuyên nghiệp
Bạn đọc Hoàng Lê và nhiều bạn đọc cho rằng mặc dù theo Luật Công an xã thì cách làm của Công an xã Sơn Đồng không lạm quyền, tuy nhiên không nên để người dân có ấn tượng không tốt rằng cứ hễ đăng bức xúc lên Facebook là bị mời lên làm việc ngay. Sao công an không mời nhà trường lên làm việc trước xem thực hư ra sao đã rồi hãy mời dân?
Theo bạn Tuấn Trần, tại sao công an không kiểm tra nhà trường có thu giống như vậy không, nếu sai thì mời người đăng lên làm việc. Chưa gì đã bị làm khó rồi thì xã hội còn ai dám đấu tranh cho cái xấu.
Bạn MinhNguyet cho rằng qua việc này thấy cách hành xử của công an xã chưa thật sự chuyên nghiệp, dễ khiến dư luận bức xúc.
Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Khâm phục thầy trò ở Nậm Ngà
Bài viết “Nốt lặng trong lễ khai giảng” nói về lễ khai giảng năm học mới ở Trường Nậm Ngà (Mường Tè, Lai Châu) làm cả cộng đồng mạng xúc động. Sáng 5-9, hàng triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới với lễ khai giảng trang trọng, đủ đầy. Riêng ở Nậm Ngà lại có lễ khai giảng vô cùng đặc biệt. Thầy trò đứng chào cờ trên dải đất trống sát bờ suối.
Nhìn hình ảnh ấy tôi đã chảy nước mắt. Tôi cũng cho hai con tôi đang học cấp 2 xem và con tôi cũng đã khóc. Quá nghẹn ngào, xúc động. Đó là chia sẻ của bạn ThuQuynh.
Bạn KienCuong có đưa ra so sánh khi nhìn hình ảnh hằng ngày các em học sinh ở thành phố được cha mẹ đưa đón, ăn uống đầy đủ và thật khâm phục thầy và trò ở vùng cao.
Bạn HungMinh mong rằng ngành giáo dục sẽ đầu tư tốt hơn nữa về cơ sở hạ tầng để giảm đi nỗi vất vả trong hành trình mang tri thức cho học trò vùng cao của các thầy cô ở Nậm Ngà.
Làm bệnh án tâm thần giả: Bán rẻ y đức
“Báo động giả tâm thần để chạy tội” cũng là bài viết được nhiều bạn đọc quan tâm trong tuần.
Theo bạn DucThai, chính những bác sĩ tạo hồ sơ giả cho tội phạm thành “tâm thần” là những tội phạm nguy hiểm nhất. Họ đã tiếp tay cho tội phạm khiến xã hội bất an.
Bạn SauLoan đề nghị: Ngành y tế cũng nên có biện pháp chuyên môn để phát hiện ra hồ sơ bệnh án của các đối tượng tội phạm là thật hay giả. Điều này đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao, hội chẩn chuyên sâu và phải có ý kiến của cả hội đồng mới kết luận.
Đấy là cách làm liều, bất chấp hậu quả, bán rẻ lương tâm, y đức - bạn đọc MinhKhoa phản ứng.
Bài “Lãnh đạo trẻ dám nghĩ, dám làm” trong tuần qua Pháp Luật TP.HCM cũng nhận được nhiều bình luận tích cực của bạn đọc. Loạt bài viết về những cán bộ được người dân mong đợi, đặt niềm tin vì biết lo cho dân. Tất cả chủ tịch phường, xã ở TP.HCM này mà được như Chủ tịch Lê Hồng Phong (UBND phường 13, quận Gò Vấp) thì người dân rất cám ơn. - Ôn Văn Thành. Phường còn nhiều chuyện để làm, cố lên cho xứng đáng nhé anh chủ tịch! - Long. Có được chủ tịch phường biết lo cho dân quá tốt, vậy sao UBND các quận, huyện không nhân rộng điển hình này? Đây là việc làm rất có ích cho người dân – MinhThanh. Để những cán bộ lãnh đạo trẻ dám nghĩ, dám làm thì các cấp lãnh đạo cũng phải mạnh dạn thay đổi những cán bộ yếu kém, thiếu năng lực, trách nhiệm. - NguyenMinh. |